Bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế?

author 09:27 09/04/2014

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đang được Bộ Y tế lấy ý kiến với kỳ vọng sẽ đảm bảo tính bền vững của BHYT khi bắt buộc toàn dân tham gia BHYT.

Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, người dân khi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến T.Ư sẽ bị giảm mức thanh toán từ 30% xuống 20%.

Chấm dứt tình trạng “lựa chọn ngược”

Theo bà Tống Thị Song Hương- Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế- Bộ Y tế: Bắt buộc toàn dân tham gia BHYT là một điểm mới hết sức quan trọng của Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT).

Qua 3 năm triển khai Luật Bảo hiểm Y tế hiện hành cho thấy mặc dù Luật đã quy định cụ thể các đối tượng có “trách nhiệm” tham gia BHYT nhưng trên thực tế việc tuân thủ pháp luật của các đối tượng này chưa cao. Để thực hiện được mục tiêu BHYT toàn dân thì cần phải quy định bắt buộc tham gia đối với tất cả các đối tượng, Nhà nước sử dụng cơ chế hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho một bộ phận người dân tham gia BHYT, cũng như cơ chế chính sách về giá dịch vụ y tế để thúc đẩy toàn dân tham gia BHYT.

Cũng theo bà Hương, nếu không quy định bắt buộc thì sẽ có nhiều nhóm đối tượng, nhất là các đối tượng khỏe mạnh, có thu nhập cao sẽ không tham gia và như vậy, không giải quyết được tình trạng “lựa chọn ngược” chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, gây nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT, ảnh hưởng đến tính bền vững của BHYT. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy không một quốc gia nào thực hiện thành công BHYT toàn dân mà dùng phương pháp tự nguyện.

“Bắt buộc toàn dân tham gia BHYT để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân theo quy định của Hiến pháp", bà Hương khẳng định.

Đồng tình với việc bắt buộc toàn dân tham gia BHYT, ông Nguyễn Văn Tiên- Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu ý kiến: Quy định bắt buộc người dân tham gia BHYT là phù hợp với chủ trương chăm sóc sức khỏe toàn dân mà Đảng và Nhà nước ta hướng tới. Bắt buộc tham gia BHYT toàn dân đồng nghĩa với việc người dân khi ốm đau đều được bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế mà không phải chịu rủi ro về mặt tài chính.

Tăng quyền lợi

Trả lời câu hỏi hiện dư luận xã hội quan tâm là Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần này có nội dung nào mới và quyền lợi của người tham gia BHYT có được tăng lên, bà Tống Thị Song Hương khẳng định: Theo như Dự thảo Luật được đưa ra lần này, quyền lợi của người tham gia BHYT được nâng lên đáng kể, nhất là đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng...

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng quy định, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục và có số tiền chi trả khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ bản sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh. Với quy định mới này sẽ giúp người bệnh đặc biệt là các trường hợp bệnh nặng có chi phí lớn như ung thư, can thiệp tim mạch, ghép tạng hay chạy thận nhân tạo... giảm bớt nhiều khoản chi y tế.

Dự thảo Luật cũng sẽ mở rộng phạm vi thanh toán cho các trường hợp như: Tự tử, tự gây thương tích, bệnh nhân bị tai nạn giao thông, tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật gây ra; tai nạn lao động, điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt đối với trẻ em dưới 6 tuổi.

Tuy nhiên cũng theo bà Hương, song song với việc nâng mức hỗ trợ chi phí về BHYT cho những đối tượng nêu trên, Dự thảo Luật lần này quy định  việc giảm thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân trái tuyến. Nếu trước kia, bệnh nhân khám chữa bệnh trái tuyến được hưởng mức thanh toán 70%, 50% và 30 % tùy theo bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, Trung ương; nay mức hỗ trợ sẽ giảm xuống, 70%, 50% và 20%.

Dự thảo Luật quy định nâng mức hưởng BHYT của thân nhân người có công với cách mạng là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, con của liệt sỹ được hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám chữa bệnh; các thân nhân khác của người có công với cách mạng từ 80% lên 95%.

Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và đối tượng bảo trợ xã hội từ 95% lên 100%. Người thuộc hộ cận nghèo từ 80% lên 95%.

Thực hiện tốt tuyên truyền

Phát biểu về những khó khăn trong thực hiện chính sách BHYT hiện nay, ông Tiên cho rằng: Thực tế cho thấy, hầu hết tại các địa phương, cán bộ lãnh đạo quản lý chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền để người dân hiểu hết những lợi ích của việc tham gia BHYT. Do vậy ông Tiên kiến nghị Nhà nước cần dành một khoản kinh phí nhất định để tiến hành cuộc tuyên truyền vận động toàn dân tham gia BHYT.

"Việc tuyên truyền này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm mới mong có kết quả", ông Tiên đề xuất.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách phù hợp để tuyên dương, khen thưởng những địa phương làm tốt công tác BHYT, tránh để tồn tại tình trạng như hiện nay "địa phương bội chi (vượt quỹ), đã có Nhà nước gánh, địa phương bội thu (kết dư quỹ), Nhà nước thu tiền", không tạo động lực cho các địa phương thi đua đẩy mạnh phong trào BHYT toàn dân.

Về quy định đưa ra trong Dự thảo Luật về việc tham gia BHYT theo hộ gia đình, ông Trần Văn Tiến- chuyên viên cao cấp về BHYT cho rằng: Trên thế giới, nếu trong cùng một gia đình, người lao động chính có trách nhiệm đóng BHYT, người phụ thuộc không có thu nhập được miễn phí tham gia BHYT, nhưng ở Việt Nam, trong điều kiện hiện tại, chưa thể tiến hành ngay việc này, chỉ nên xem xét mức đóng phù hợp để giảm gánh nặng đồng thời khuyến khích người dân tham gia.

Theo HQ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang