Bình Phước: Phát hiện pháo lậu trên xe khách

author 06:33 31/08/2024

(VietQ.vn) - Đội Cảnh sát giao thông số 2, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bình Phước cho biết vừa phát hiện một xe khách chở 10 bánh pháo lậu.

Trước đó, nhận được tin báo của người dân, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 2 đã dừng kiểm tra xe ôtô khách do T.V.P (31 tuổi, ngụ huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) điều khiển. Qua kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện trên xe vận chuyển 10 bánh pháo nổ (khoảng 16kg).

Khai thác nhanh, tài xế cho biết số pháo được một người không rõ họ tên gửi hàng qua xe tại khu vực xã Bù Nho, huyện Phú Riềng đi tỉnh Quảng Ngãi. Chủ xe và tài xế không biết mặt hàng gửi là pháo.

Tổ công tác đã bàn giao vụ việc cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đồng Phú để tiếp tục điều tra làm rõ.

Pháo nổ gây nhiều tác hại. Ảnh tư liệu

Theo các chuyên gia, pháo nổ gây nhiều tác hại bởi nguyên liệu làm pháo là thuốc nổ có thành phần chủ yếu là lưu huỳnh, bột than, muối nitrat (kali nitrat) hoặc kali clorat. Khi đốt pháo, ngoài tiếng nổ đùng đoàng, tạch tạch cùng ánh sáng nhiều màu pháo hoa còn có các đám bụi khói. Trong đó, lưu huỳnh đioxit, nitơ đioxit là những chất có tính ăn mòn, tính axit và oxy hoá - khử rất mạnh.

Các chất khí này khi hoà tan vào nước mưa sẽ tạo nên đám mưa axit. Khi đốt quá nhiều pháo nổ mà gặp lúc không có gió, áp suất khí quyển thấp thì không có cách nào làm cho bay, tản đi nơi khác sẽ kích thích mạnh đường hô hấp gây ho, viêm phế quản.

Pháo có rất nhiều loại trong đó có những loại pháo ép dạng đồ chơi nguy hiểm chứa hóa chất độc hại. Pháo đồ chơi này có dạng túi nilon nhỏ, bên ngoài vẽ nhiều hình thù khác nhau, màu sắc hấp dẫn. Bên trong chứa một loại chất bột màu trắng và 1 túi nhỏ hơn chứa chất lỏng màu hồng. Sau khi có tác động ngoại lực sẽ phát tiếng nổ làm cả 2 túi chất lỏng bị vỡ và gây mùi hôi khó chịu. Không ít trẻ em khi mua loại pháo đồ chơi này về dẫm bẹp, phát tiếng nổ đã bị dị ứng với hóa chất nói trên và mẩn ngứa khắp người.

Cũng chính vì tác hại này mà việc sản xuất, quản lý, sử dụng pháo ở nước ta phải tuân theo quy định. Hiện nay, căn cứ Nghị định 137/2020/NĐ-CP, ngoài pháo hoa được sử dụng trong một số trường hợp thì những loại pháo nổ, thuốc pháo khác người dân không được sử dụng.

Luật sư Đặng Văn Tiến, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, đối tượng thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ không mới nhưng ngày càng có biểu hiện tinh vi. Các đối tượng ngày càng manh động, bất chấp thủ đoạn để mua bán, tàng trữ số lượng lớn khi có đơn đặt hàng. Do đó, việc cơ quan chức năng liên tiếp điều tra, truy tìm và bắt giữ các đối tượng vi phạm luôn nhận được sự quan tâm, đánh giá cao từ dư luận.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Tiến cho biết, kể từ ngày 01/01/2018, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành; theo quy định tại các điều 190 (về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”); điều 191 (về tội “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”); mục 1, chương XVIII, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì pháo nổ và thuốc lá điếu được quy định là mặt hàng cấm, do vậy tất cả hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các mặt hàng này sẽ bị xử lý hình sự khi đảm bảo yếu tố định lượng.

Về quy định các yếu tố định lượng gồm: Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam; từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam và từ 120 kilôgam trở lên. Tương đương với đó là các mức xử lý tương đương, trong đó, mức xử lý cao nhất đối với hành vi vi phạm này lên tới 15 năm tù giam.

“Cơ sở pháp luật quy định rất rõ các trường hợp vi phạm pháp luật đối với những hành vi liên quan đến tội danh sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển mặt hàng cấm là pháo nổ. Do đó, đối tượng vi phạm ngoài mức xử lý hành chính sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự liên quan đến tội danh này. Tuy nhiên, tùy thuộc vào quá trình điều tra, xem xét làm rõ yếu tố liên quan cấu thành tội phạm, cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để xử lý theo quy định” – Luật sư Đặng Văn Tiến cho biết thêm.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang