Bộ Công Thương quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP

author 10:32 24/02/2022

(VietQ.vn) - Mới đây Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực.

Thực hiện cam kết quốc tế trong Hiệp định RCEP, mới đây Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực. Thông tư số 05/2022/TT-BCT gồm 04 Chương, 32 Điều và 4 Phụ lục kèm theo:

- Chương 1: Quy định chung

- Chương 2: Cách xác định xuất xứ hàng hóa

- Chương 3: Chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa

- Chương 4: Điều khoản thi hành

Thông tư số 05/2022/TT-BCT quy định các nội dung về Quy tắc xuất xứ hàng hóa bao gồm các trường hợp xác định hàng hóa được coi là có xuất xứ, cộng gộp, De Minimis, công đoạn gia công chế biến đơn giản, vận chuyển trực tiếp, cơ chế kiểm tra và chứng nhận xuất xứ hàng hóa, … Nội dung của các điều khoản này trong Quy tắc xuất xứ hàng hóa của Hiệp định RCEP nhìn chung không có sự khác biệt so với Hiệp định ATIGA và một số Hiệp định ASEAN+1 mà Việt Nam là thành viên.

Quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP. Ảnh minh họa 

Hàng hóa có xuất xứ của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định RCEP khi có C/O được cấp theo quy định tại Thông tư này. Hàng hóa có xuất xứ của các nước thành viên nhập khẩu vào Việt Nam được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định RCEP khi nộp C/O hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do nhà xuất khẩu đủ điều kiện phát hành.

Cũng tại Thông tư số 05/2022/TT-BCT, Bộ Công Thương đã nội luật hóa điều khoản khác biệt thuế do một số nước trong khối RCEP như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan và Việt Nam áp dụng mức thuế suất nhập khẩu khác nhau cho cùng một mặt hàng đối với các nước đối tác.

Thông tư số 05/2022/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày 04 tháng 4 năm 2022.

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (sau đây gọi là Hiệp định RCEP) là Hiệp định thương mại tự do được 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 nước đối tác của ASEAN là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc và Niu Di-lân ký kết vào ngày 15 tháng 11 năm 2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN. Hiệp định RCEP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Trong đó, 15 nước thành viên chiếm gần tới 30% của dân số thế giới (2,2 tỉ người) và 30% của tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu (26,2 nghìn tỉ USD) vào thời điểm năm 2020, làm nó trở thành một khối thương mại lớn nhất trong lịch sử. 

Hiệp định thương mại bao gồm các quốc gia có nền kinh tế thu nhập cao, thu nhập trung bình, và thu nhập thấp, đã được đưa ra ở hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2011 ASEAN tại Bali, Indonesia, trong khi được thảo luận chính thức ở hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2012 tại Campuchia. Hiệp định được mong đợi là sẽ xóa bỏ 90% thuế quan nhập khẩu giữa các nước thành viên ký kết trong 20 năm tiếp theo, và thành lập được một quy tắc chung cho thương mại điện tử, trao đổi hàng hóa, và sở hữu trí tuệ.

RCEP là hiệp định thương mại tự do đầu tiên giữa các nước Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc, là ba trong bốn nền kinh tế lớn nhất của Châu Á. Kể từ thời điểm nó được ký, các chuyên gia khẳng định rằng nó sẽ giúp điều tiết lại nền kinh tế giữa đại dịch COVID-19, cũng như là việc "kéo trọng lực kinh tế trung tâm về phía châu Á," trước sự sụt giảm của nền kinh tế Mỹ.

Hiệp định RCEP được khởi xướng và dẫn dắt bởi ASEAN được nhận định là có sự chống đỡ đằng sau của Trung Quốc để đối chọi lại với TPP từng được Mỹ đỡ đầu.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang