Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng xử lý nhiều vụ vi phạm về mỹ phẩm, dược phẩm

author 14:37 10/03/2022

(VietQ.vn) - Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng vừa tiến hành xử lý hàng hóa là dược liệu, mỹ phẩm, dược phẩm vi phạm bị tịch thu lên tới 18,5 tỷ đồng.

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng cho biết, loại hàng hóa bị lực lượng chức năng bắt giữ chủ yếu ở khu vực biên giới là dược liệu, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc giả các nhãn hiệu nổi tiếng.

Cũng theo thống kê của Bộ Quốc phòng, trong năm 2021, Bộ đội Biên phòng đã chủ trì, bắt giữ và xử lý 51 vụ/03 đối tượng; với 483940 lọ, hộp mỹ phẩm các loại, 4.800 ống thuốc tân dược, 13.550 hộp, lọ thực phẩm chức năng các loại, 1.462 kg nguyên liệu thuốc bắc… Với trị giá hàng hóa bị tịch thu hơn 18,5 tỷ đồng.

Được biết hàng hóa vi phạm chủ yếu là viên uống tiêu mỡ, viên uống tăng chiều cao, cà, phê tang cân, nước hoa, sữa tắm, sữa rửa mặt, son môi, kem dưỡng da, dầu gội dưỡng tóc, kem trang điểm, hạt y dĩ, hoa tam thất, hoa Hồng khô, đương quy, các dược phẩm thuốc tây… không có nhãn mác hoặc nhái nhãn mác nổi tiếng.

 Bộ Quốc phòng thu giữ và xử lý nhiều vụ vi phạm. Ảnh: Trịnh Hà

Cùng với đó là các thủ đoạn diễn ra trên các tuyến biên giới đất liền và tuyến biển. Tại tuyến biên giới đất liền các đầu nậu, chủ hàng xuất cảnh ra nước ngoài mua dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dán các nhãn mác hàng đang được người tiêu dùng ưu chuộng, sau đó thuê cửa vạn ngụy trang hàng hóa đóng gói vào các hộp đựng các mặt hàng có giá trị thấp, các mặt hàng được phép nhập khẩu nhằm, tránh sự chú ý của cơ quan chức năng để vận chuyển qua cửa khẩu, đường mòn biên giới.

Tại cảng biển hàng hóa từ nước ngoài vận chuyển vào Việt Nam bằng Container, lợi dụng chính sách quản lý rủi ro trong quản lý thuế; chính sách áp dụng quản ký rủi ro trên hệ thống thông quan hàng hóa tự động; quá trình nhập khẩu hàng hóa, đối tượng khai báo gian dối không đúng chủng loại hàng hóa theo tờ khai Hải quan để nhập lậu hàng hóa vào Việt Nam.

Trong thời gian tới, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn diễn biến phức tạp tại các khu vực biên giới đối với các mặt hàng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền vẫn là những mặt hàng mà các đối tượng tập trung buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới.

Do đó, Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, đơn vị Quân đội trên địa bàn đóng quân; các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trong trao đổi thông tin, tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đối với dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Tương tự, theo báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ năm 2021, Ban Chỉ đạo 389 Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện còn nhiều khó khăn trong việc phát hiện, xử lý hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền, do phương thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi.

Trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, công tác kiểm soát các hoạt động đối với người, phương tiện, hàng hoá trên đường bộ, cảng biển, hàng không được siết chặt, do vậy hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và đối với nhóm mặt hàng trên có chiều hướng giảm mạnh. Song vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, phương thức cách thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn, lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư cấu kết với các đối tượng nước ngoài, sử dụng phương tiện công nghệ kỹ thuật cao để buôn lậu, một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài, không tổ chức sản xuất tại Việt Nam mà chỉ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, sau đó thay nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu đi các nước khác. Đặc biệt, khi hoạt động thương mại điện tử trở nên phổ biến, các thủ đoạn mới xuất hiện, các đối tượng lập nhiều tài khoản Facebook, Zalo... và chạy quảng cáo, chụp ảnh sản phẩm bằng công nghệ, chỉ dẫn địa chỉ bán hàng chung chung, không rõ ràng hoặc trao đổi qua hộp thư kín, phát trực tiếp (livestream) và đăng bài quảng cáo về mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,...không đúng với bản chất thật của hàng hoá, sử dụng nhà ở làm kho chứa hàng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng,... gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Cùng với đó là sự phát triển của dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh trong nước và quốc tế, dịch vụ giao nhận hàng tại nhà với đội ngũ shipper đông đảo, các đối tượng đã lợi dụng để đưa hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả vào các kho chứa bưu kiện, bưu phẩm, đây là ranh giới không rõ ràng cho việc xác định trách nhiệm của chủ thể đối với hàng hóa vi phạm, đối tượng thường lợi dụng để tiêu thụ, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng,... gây khó khăn cho việc kiểm soát, kiểm tra, xử lý.

Kết quả, trong năm 2021, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát và đấu tranh đối với hoạt động kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với sức khỏe của người dân. Tổng số vụ đã kiểm tra, xử lý là 204 vụ; xử lý hành chính 8,5 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 TP cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng có liên quan và cấp uỷ, chính quyền địa phương trong công tác nắm tình hình, trao đổi thông tin, đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

  An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang