Bộ trưởng Nguyễn Quân: 'Chúng ta sống quá lâu trong bao cấp rồi!'

author 06:44 12/12/2014

(VietQ.vn) – Đó là trăn trở của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua câu chuyện vì sao nông dân Việt Nam toàn sử dụng giống lúa lai Trung Quốc?

Là một nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới, tại sao giống lúa lai hiện nay người nông dân Việt Nam đang sử dụng lại phải nhập từ Trung Quốc?

Đây là băn khoăn của phóng viên với Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân tại buổi họp báo thường kỳ của bộ vào ngày 9/12. Với câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Quân thẳng thắn chia sẻ, “đây là vấn đề rất hay! Nếu như có thời gian, tôi có thể trao đổi riêng với đồng chí vài tiếng đồng hồ mới nói hết được”.

Bộ trưởng bộ khoa học công nghệ

Bộ trưởng Nguyễn Quân trao đổi với các phóng viên bên lề buổi họp báo. Ảnh: Viết Cường 

Bộ trưởng Quân nhìn nhận, Việt Nam đang bước vào nền kinh tế thị trường, đã thuộc về kinh tế thị trường thì thị trường sẽ quyết định. Cho dù chúng ta làm ra sản phẩm có tốt đến mấy thì thị trường sẽ quyết định sự sống còn của sản phẩm đó.

Bộ trưởng Quân dẫn chứng: “Đã có lúc bia Vạn Lực của Trung Quốc tràn ngập Việt Nam vì lúc đó bia Hà Nội, bia 333 của ta vừa đắt lại vừa không ngon. Nhưng bây giờ, chắc là không tìm được chai bia Vạn lực của Trung Quốc nào trên đất Việt. Vì giờ bia Hà Nội, bia Sài Gòn vừa rẻ vừa ngon rồi. Như vậy, yếu tố để trở thành sản phẩm hàng hóa là do thị trường quyết định”.

Quay trở lại vấn đề phóng viên hỏi, vì sao ở miền Bắc nông dân đều dùng lúa lai Trung Quốc? Về hiện trạng này, Bộ trưởng Quân khẳng định, các nhà khoa học của Việt Nam tạo ra hàng trăm giống lúa còn tốt hơn. Tuy nhiên, với lí do vì sao người Việt không dùng sản phẩm của Việt Nam thì còn nhiều điều khiến vị Bộ trưởng Khoa học Công nghệ trăn trở.

Bộ trưởng chỉ ra 3 nguyên nhân:

“Một là, các giống lúa lai của Việt Nam tạo ra chưa được thương mại hóa để có thể cạnh tranh vì giống lúa lai Trung Quốc rất rẻ. Người nông dân thì cứ thấy rẻ là mua thôi. Chúng ta cũng vậy, hai cái ngang nhau thì tội gì ta phải mua cái đắt. Còn vì sao lúa lai Trung Quốc lại rẻ thì cần phải tìm hiểu”.

Theo Bộ trưởng, không phải ngẫu nhiên một bộ com-le Trung Quốc bán ở Hà Nội giá thành còn rẻ hơn là tiền mua vải để may. Vậy tại sao hàng Trung Quốc lại rẻ đến mức như thế? Trong khi đó còn tiền may, tiền vận chuyển, thuế,…

Nguyên nhân thứ hai là hệ thống dịch vụ của chúng ta quá yếu. Nhiều nơi làm ra giống rồi nhưng phải có các công ty, doanh nghiệp làm giống chuyên nghiệp quy mô lớn thì mới có sản lượng lớn được.

“Đây là bài toán con gà - quả trứng. Doanh nghiệp sẽ không dám đầu tư nếu như không ai đảm bảo đầu ra cho các doanh nghiệp làm giống?”, Bộ trưởng Quân lo lắng.

Nguyên nhân thứ ba là do giá thành sản phẩm. Theo Bộ trưởng Quân, giá lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam rất thấp. Nông dân không đạt được lợi nhuận 30% như Chính phủ mong muốn. Họ phải bán cho thương lái, bị ép giá. Trong khi đó đầu vào của nông dân lại rất lớn, giá trị gia tăng cho hạt gạo thấp, thậm chí là âm. Do vậy, người nông dân không còn lựa chọn nào tốt hơn là đi mua giống lúa lai của Trung Quốc có giá rẻ hơn, hệ thống dịch vụ tốt hơn.

Để khắc phục những khó khăn này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng chúng ta cần phải luôn luôn đổi mới. Không chỉ đổi mới ở riêng lĩnh vực khoa học công nghệ mà cả hệ thống chính trị của ta cũng cần phải đổi mới. Cụ thể là đổi mới về tư duy quản lý, áp dụng cơ chế thị trường một cách đầy đủ.

“Chúng ta sống quá lâu trong bao cấp rồi nên một vài đổi mới ở phần ngọn chưa giải quyết được căn nguyên. Bây giờ chúng ta là kinh tế thị trường thì phải đầy đủ, bảo đảm hàng hóa có sức cạnh tranh, phải có giá trị gia tăng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Như thế chúng ta mới làm được”, Bộ trưởng Nguyễn Quân đề xuất.

Ông Quân nhấn mạnh thêm, để tháo gỡ, Nhà nước cần phải đầu tư tập trung để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển. Không thể cứ mãi đầu tư theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ. Trong đó, chính sách đáng lo ngại nhất là khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đi nhập khẩu của nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ dẫn giải: “Luật của chúng ta quy định, cái gì trong nước chưa sản xuất được thì miễn thuế nhập khẩu. Nghe ra thì có vẻ rất hay nhưng như thế là khuyến khích các doanh nghiệp đi nhập khẩu. Mặt hàng trong nước không làm được thì miễn thuế nhập khẩu rất rẻ, vậy tội gì các doanh nghiệp không đi nhập khẩu, cần gì phải làm. Vậy thì cần đánh thuế thật cao thì lúc đó buộc phải làm ở trong nước”.

Theo Bộ trưởng Quân, cơ chế chính sách là yếu tố quan trọng để thay đổi và phát triển. Còn câu hỏi của phóng viên, khi nào chúng ta làm được như thế? Bộ trưởng Quân tin rằng, khi Việt Nam thực sự trở thành một nước công nghiệp. Còn hiện nay, theo đánh giá của ông, Việt Nam chưa thể là một nước công nghiệp bởi tư duy của người làm công nghiệp không giống như hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Quân thẳng thắn nói: “Người quản lý ở các nước công nghiệp khác rất nhiều so với quản lý ở một nước nông nghiệp. Tư duy của người nông dân thường bị bó hẹp trong phạm vi gia đình, trong lũy tre làng, trên mảnh ruộng của nhà mình. Còn tư duy của người công nghiệp khác, sẽ rộng hơn, cao hơn”.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang