Bóc mẽ trò lừa đảo bán máy tính bảng siêu rẻ

author 23:13 09/09/2012

(VietQ.vn) - Các loại máy tính bảng được rao bán với giá siêu rẻ từ 150.000 – 200.000 đồng, giảm đến 79% so với giá gốc thực ra là chiêu quảng cáo đánh lừa người tiêu dùng.

Sếp "bự" cũng "dính đòn"

Anh Quang Minh, một nhân viên văn phòng cho biết, vừa xem được tin quảng cáo về mặt hàng máy tính bảng Gemei có giá chỉ 150.000 đồng, anh liền gọi ngay đến số điện thoại của tư vấn viên Cucre.vn để đặt hàng. Sau một hồi “tư vấn”, anh mới “ngã ngửa” vì hoá ra mức 150.000 đồng chỉ dùng để mua một “voucher” (phiếu giảm giá 700.000 đồng) của loại máy tính bảng trên.

Muốn mua hàng, anh phải “bù” thêm 1.500.000 đồng. Tức là giá sản phẩm sẽ vào khoảng 1.650.000 đồng/chiếc chứ không phải siêu giảm giá 79% chỉ còn 150.000 đồng như quảng cáo.

“Một chiếc máy tính bảng được bán với giá 1.650.000 đồng cũng đã là mức giá rất rẻ, thà họ cứ đăng nguyên mức giá này còn hơn “đánh lừa” với mức giá “ảo” 150.000 đồng. Người mua hàng bỏ tiền ra mua một phiếu giảm giá rồi lại phải chạy đến cửa hàng bán máy tính bảng để “bù” thêm tiền. Trong khi chẳng ai biết được chiếc máy tính bảng kia có giá “khuyến mãi” mới là 1.650.000 đồng hay đó cũng chính là giá “thực” của sản phẩm. Cái mốc 79% rõ ràng là lừa đảo người mua”, anh Minh bức xúc.  
Sản phẩm máy tính bảng rao trên Cucre.vn giảm giá tới 79%
Sản phẩm máy tính bảng rao trên Cucre.vn giảm giá tới 79%

Không chịu kém cạnh, trang web mua sắm theo nhóm Hotdeal (www.hotdeal.com) cũng tung ra hàng loạt những khuyến mãi cực “shock” tương tự như “Máy Tính Bảng Pi E001 16GB 3.800.000 đồng giảm giá 95% chỉ còn 200.000 đồng”, “Máy Tính Bảng Cảm Ứng Điện Dung Đa điểm Hinic H7003C 2.700.000 đồng giảm giá 93% chỉ Còn 200.000 đồng”, “Máy Tính Bảng Player Momo 9 giá 2.700.000 đồng giảm 94% còn 150.000 đồng”… Nhưng xem kĩ lại thì đa số đều có điều kiện ràng buộc là người mua phải “bù” thêm…

Ông Lê Quang, một sếp lớn của cơ quan Nhà nước trên địa bàn Hà Nội cũng rất bức xúc với kiểu rao bán máy tính giá  bảng giá rẻ kiểu này. “Bản thân tôi cũng đã gọi điện đến của hàng thắc mắc kiểu bán hàng dạng này. Giá rao trên mạng chỉ 150.000 đồng nhưng khi gọi điện đến thì nhân viên lại bảo rằng đó chỉ là phiếu giảm giá. Chiếc máy tính bán với giá hơn 1 triệu đồng. Rõ ràng đây là cách quảng cáo mập mờ đánh lừa người dân”, ông Quang bức xúc.

Chiêu làm giá

Anh Nguyễn Chí Thành, chuyên viên đánh giá sản phẩm Công nghệ điện tử của Chuyên trang Công nghệ VN Review cho biết, mặt hàng máy tính bảng đang là một sản phẩm công nghệ khá “hút khách”. Tuy nhiên ngoài những loại máy tính bảng “đình đám” có giá trên 10 – 15 triệu của những hãng như Apple, Samsung, thị trường cũng xuất hiện dòng máy tính bảng giá rẻ từ Trung Quốc hoặc mang thương hiệu Việt nhưng linh kiện lắp ráp từ Trung Quốc.

Dòng máy loại này thường chỉ có mức giá từ 2 – 3 triệu đồng tuỳ theo tính năng và dung lượng GB. Do đó, mức giảm giá “siêu shock” đến 79% hay 91%, 94% chỉ là “ảo”, hầu hết các cửa hàng bán đồ công nghệ điện tử đều bày bán các sản phẩm này với mức giá chung là giá “khuyến mãi” trên các trang web mua sắm theo nhóm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, thương mại điện tử là một phương thức hoạt động hiện đại, thuận lợi. Đối với người tiêu dùng, chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể mua vé máy bay, đặt khách sạn, gửi hoa cho bạn bè hoặc mua được các món hàng thời trang yêu thích… hàng hóa cũng như các thông tin liên quan đều ở dạng số hóa, tiện ích cho cả người mua và người bán.

Tuy nhiên, cùng với những ưu điểm vượt trội, những trang web mua sắm cũng mang lại nhiều rủi ro cho người tiêu dùng nếu chúng ta không hiểu rõ các qui định cũng như cách thức thực hiện giao dịch thương mại điện tử. Các vấn đề về bảo mật, an toàn thông tin cá nhân; các địa chỉ giao dịch ảo; các hợp đồng "mập mờ" về giá cả, quảng cáo, chất lượng hàng hóa… đã và đang là những hành vi phổ biến vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.



Lưu Thu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang