Những loại thuốc cần tránh dùng khi lái xe để không nguy hiểm tính mạng

author 06:52 25/12/2021

(VietQ.vn) - Nhiều chuyên gia sức khỏe khuyên người lái xe nên thận trọng khi dùng thuốc trước khi vận hành bất kỳ loại phương tiện nào. Vậy đâu là những loại thuốc cần tránh?

Mặc dù hầu hết các loại thuốc sẽ không ảnh hưởng đến khả năng lái xe nhưng một số loại thuốc kê đơn và không kê đơn có thể có tác dụng phụ và gây ra các phản ứng khiến bạn gặp nhiều rủi ro khi lái xe. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến việc lái xe trong thời gian ngắn sau khi sử dụng. Đối với những người khác, tác dụng của thuốc có thể kéo dài trong vài giờ, thậm chí sang cả ngày hôm sau. Nhiều loại thuốc khác cũng được cảnh báo không vận hành máy móc hạng nặng bao gồm cả việc lái xe ô tô. Vậy đâu là những loại thuốc lái xe cần tránh nhất?

Dùng thuốc Cannabidiol (CBD) khi lái xe có thể gây nguy hiểm

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã từng phê duyệt cho một loại thuốc CBD theo đơn, Epidiolex để điều trị 2 chứng rối loạn co giật hiếm gặp và đe dọa tính mạng ở trẻ em. Tuy nhiên đây là trường hợp duy nhất và FDA vẫn chưa chấp nhận bất kỳ sản phẩm CBD nào khác. Những thuốc CBD chưa được phê duyệt thường không phải chịu bất kỳ đánh giá nào của FDA, đồng nghĩa với chất lượng và hiệu quả điều trị không được đảm bảo. Nếu người dùng uống thuốc CBD trong khi lái xe có thể gặp tác dụng buồn ngủ, an thần hoặc hôn mê. Do những tác dụng này, người dùng nên thận trọng nếu có kế hoạch vận hành xe cơ giới sau khi sử dụng bất kỳ sản phẩm CBD nào.

Thuốc an thần và thuốc ngủ

Những người dùng thuốc an thần nhẹ hoặc thuốc ngủ tác dụng ngắn (thuốc ngủ) thường có thể lái các phương tiện cơ giới mà không gặp khó khăn. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc an thần thuộc nhóm benzodiazepine có nguy cơ dẫn đến việc lái xe không an toàn, đặc biệt ở người cao tuổi. Bệnh nhân dùng thuốc an thần nặng này vì lý do điều trị không nên lái xe. Sử dụng đồng thời rượu trong những trường hợp này làm cũng làm tăng nguy cơ suy giảm chức năng.

 Có nhiều loại thuốc không nên dùng khi lái xe. Ảnh minh họa

Thuốc kháng histamine, thuốc chống say tàu xe và thuốc giãn cơ

Buồn ngủ và chóng mặt là tác dụng phụ thường xuyên và không thể đoán trước của các loại thuốc kháng histamine thế hệ cũ, thuốc chống say tàu xe và thuốc giãn cơ. Thuốc kháng histamine thế hệ mới không gây buồn ngủ được coi là an toàn hơn, nhưng có thể có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương. Những người sử dụng các loại thuốc này lần đầu tiên phải được cảnh báo không lái xe cho đến khi xác định được liệu họ có dễ bị các tác dụng phụ này hay không.

Thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần

Nên theo dõi các cá nhân đang dùng thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống loạn thần trong giai đoạn điều chỉnh liều ban đầu và không nên lái xe nếu họ có bất kỳ dấu hiệu nào về tình trạng buồn ngủ hoặc hạ huyết áp.

Thuốc kháng cholinergic

Thuốc kháng cholinergic thường gây ra tình trạng an thần và mê sảng (khởi phát cấp tính của suy giảm nhận thức thường liên quan đến ảo giác và mức độ ý thức dao động), đặc biệt là ở người lớn tuổi. Cá nhân (và gia đình của họ) nên được cảnh báo rằng những người gặp phải những tác dụng phụ này không nên lái xe. Ví dụ về các loại thuốc có thể có tác dụng kháng cholinergic bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc kháng histamine và thuốc chống ngứa, thuốc an thần và thuốc chống nôn.

Nên làm gì nếu đang uống thuốc nhưng phải lái xe?

Nếu loại thuốc đang dùng ảnh hưởng đến việc lái xe, hãy ngừng lái xe nhưng không được tự ý ngừng dùng thuốc. Bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng hoặc thời gian dùng thuốc hoặc thay đổi loại thuốc có ít tác dụng phụ hơn.

Trước khi dùng thuốc, cần đọc kỹ nhãn thuốc để xem liệu có những tác dụng phụ tiềm ẩn có thể khiến việc lái xe trở nên nguy hiểm hay không. Tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị về các tác dụng phụ có thể gặp phải khi uống thuốc. Đồng thời, thông báo cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm các sản phẩm không kê đơn và các chất bổ sung dinh dưỡng.

Khi bị nhỡ một liều thuốc được kê đơn, không nên lái xe nếu tình trạng sức khỏe có thể khiến việc lái xe trở nên nguy hiểm. Nếu gặp tác dụng phụ khi dùng bất kỳ loại thuốc nào hoặc các triệu chứng nêu trên, hãy tham tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi lái xe. Bạn vẫn có thể lái xe an toàn khi đang dùng thuốc dưới sự giám sát của bác sĩ.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang