Cách chọn kem dưỡng ẩm ở người viêm da cơ địa an toàn nhất

authorNgọc Nga 14:00 17/05/2023

(VietQ.vn) - Viêm da cơ địa là bệnh lý hay tái phát và thường gặp. Việc sử dụng kem dưỡng ẩm là một giải pháp phù hợp tuy nhiên cần lưu ý khi lựa chọn sản phẩm này.

Viêm da cơ địa là bệnh da thường gặp, đặc trưng bởi triệu chứng viêm da, sần ngứa, khiến tình trạng da sần thâm, mất thẩm mỹ. Viêm da cơ địa có biểu hiện cấp tính, bán cấp hay mạn tính và là bệnh lý dễ tái phát. Hầu hết khởi phát từ tuổi thơ, viêm da cơ địa có triệu chứng ngứa và xuất hiện các tổn thương da. Đây là bệnh có yếu tố di truyền từ gia đình hay những người bị viêm mũi dị ứng, hen suyễn.

Bệnh lý trên xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như: yếu tố di truyền, nhiễm trùng, hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, miễn dịch,... Để điều trị viêm da, chúng ta cần sử dụng thuốc và chăm sóc da đúng cách.

Đối với những ai bị bệnh viêm da thì dưỡng ẩm là một trong những bước điều trị quan trọng, kể cả giai đoạn cấp tính và mãn tính. Các sản phẩm dưỡng ẩm sẽ phục hồi chức năng hàng rào bảo vệ da, giảm thời gian sử dụng corticoid và cải thiện các triệu chứng khô da. Tuy nhiên thị trường có rất nhiều loại kem dưỡng ẩm vì vậy việc lựa chọn kem dưỡng ẩm cho phù hợp là điều nhiều người vẫn còn băn khoăn.

 Cần lưu ý khi lựa chọn kem dưỡng ẩm dùng cho người bị viêm da cơ địa. Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Cao Đạt tại một phòng khám ở Ba Đình (Hà Nội), khi lựa chọn kem dưỡng ẩm cần lựa chọn sản phẩm có đặc tính riêng biệt, đáp ứng được nhu cầu dưỡng ẩm của da, nhưng phải có công thức an toàn, không gây dị ứng. Cụ thể, nên chọn sản phẩm của những thương hiệu uy tín, không mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, bán trôi nổi trên thị trường.

Để lựa chọn được sản phẩm phù hợp với người viêm da cơ địa, nên lựa chọn các loại kem dưỡng ẩm chứa những thành phần sau: Kháng viêm, các hoạt chất kháng viêm tác dụng nhẹ như chất béo ceramide; palmitoylethanolamine; glycyrrhetinic acid,... có tác dụng giảm nhẹ phản ứng viêm do viêm da cơ địa gây ra.

Chọn sản phẩm ngăn mất nước bởi các hoạt chất zinc oxide, mineral oil (dầu khoáng), petroleum và lanolin… có tác dụng tạo một lớp màng trên bề mặt da giúp ngăn chặn tình trạng thoát hơi nước. Từ đó hạn chế tình trạng da khô ráp, bong tróc. Các thành phần như hyaluronic acid, urea và clycerin sorbitol có tác dụng hút nước từ lớp thượng bì đến lớp sừng nhằm giúp da mềm mịn, giảm bong tróc.

Cần lựa chọn sản phẩm giúp mềm da. Các hoạt chất giúp làm mềm da như isopropyl palminate, dầu bơ, yến mạch, dầu thầu dầu… không chỉ giúp da mềm mà còn giúp ngăn chặn sự xâm nhập của dị nguyên; hạn chế tình trạng viêm da cơ địa cấp.

Chọn kết cấu của sản phẩm. Tùy tình trạng mức độ khô da cũng như giai đoạn viêm da cơ địa để lựa chọn sản phẩm phù hợp như: 

Dạng sữa dưỡng: Đây là sản phẩm dạng sữa, có kết cấu lỏng, mềm, nhiều nước, ít dầu. Loại này có ưu điểm là không gây bết, dễ tán đều, nhưng do kết cấu lỏng, nên lotion có hiệu quả dưỡng ẩm không cao, chỉ thích hợp với tình trạng da khô và bong tróc da nhẹ.

Dạng kem: Loại này chứa hỗn hợp nước và dầu với tỷ lệ cân bằng; có ưu điểm là cung cấp độ ẩm lý tưởng, ít bết dính và dễ tán. Tuy nhiên, sản phẩm này có thêm chất bảo quản và chất ổn định để ngăn tách các thành phần. Do đó, một số người có thể bị dị ứng khi sử dụng các sản phẩm này. Khi thoa sản phẩm nếu thấy tình trạng dị ứng thì nên ngừng hoặc hỏi ý kiến bác sĩ da liễu.

Dạng mỡ: Là sản phẩm dạng mỡ, có kết cấu đặc hơn với hơn 80% là dầu. Loại này có tác dụng dưỡng ẩm tốt nhất, giúp ngăn chặn mất nước và phục hồi hàng rào bảo vệ da. Tuy nhiên lại gây bết và làm bít tắc lỗ chân lông, sẽ không phù hợp với người da dầu, mụn. Chỉ nên dùng khi da quá khô, đặc biệt những vùng da bị dày sừng, thâm nhiễm, nứt nẻ nặng như bàn chân, bàn tay, mặt sau của khớp gối, khuỷu…

Người bị viêm da cơ địa nên sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên, do đó ngoài lựa chọn sản phẩm có công thức phù hợp, an toàn, lành tính, không chứa hương liệu và chất gây dị ứng; dễ sử dụng, tiện lợi… thì còn cần chọn loại có giá phù hợp để giảm gánh nặng kinh tế. Đối với trường hợp viêm da cơ địa, mọi người có thể tìm mua những dòng dưỡng ẩm có giá thành hợp lý mà vẫn đảm bảo chất lượng. Điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí trong quá trình sử dụng sản phẩm để điều trị lâu dài.

Nên sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm ít nhất 2 lần/ngày, ngay cả khi da không có biểu hiện bệnh. Nếu da khô sần có thể dùng tăng lên 3-4 lần/ngày. Có thể thay đổi loại kem phù hợp với tình trạng da. Thoa kem ngay sau khi tắm để hạn chế hiện tượng thoát hơi nước khiến da khô căng, nứt nẻ và bong tróc. Chỉ lấy một lượng kem dưỡng ẩm vừa đủ, massage nhẹ để kem thẩm thấu tốt. Tránh sử dụng lượng kem quá dày sẽ gây khó chịu, bết rít và ảnh hưởng không nhỏ đến yếu tố thẩm mỹ. Nên làm sạch da trước khi thoa kem dưỡng để tránh tình trạng bít tắc lỗ chân lông và gây mụn. Trong giai đoạn bệnh bùng phát, nếu phải dùng corticoid, thì thoa kem dưỡng ẩm trước khi dùng thuốc bôi chứa corticoid.

Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang