Cải cách hành chính công: ‘Thắng-thua’ nhờ thủ trưởng!

authorThanh Uyên 07:09 02/12/2015

(VietQ.vn) - Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg đề cao vai trò của thủ trưởng đơn vị trong việc chỉ đạo điều hành xây dựng HTQLCL trong việc cải cách hành chính nhà nước.

Để nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương cũng như trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan trong việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, đồng thời để bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí ngân sách nhà nước và phù hợp với thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg và Quyết định số 118/2009/QĐ-TTg.

Cải cách hành chính công: ‘Thắng - thua’ nhờ thủ trưởng!Ông Nguyễn Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Về vấn đề này Chất lượng Việt Nam có cuộc trao đổi với Ông Nguyễn Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN.

Thưa ông, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước được quy định tại QĐ 19/2014/QĐ-TTg (Quyết định 19) có gì mới so với thời gian trước đây?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Chủ trương xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) vào các cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) đã được triển khai từ năm 2006. Đến năm 2009 có sự gắn kết giữa việc xây HTQLCL với Đề án 30 về cải cách hành chính của Chính phủ. Năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 19 nhấn mạnh việc xây dựng và áp dụng việc áp dụng HTQLCL tại các CQHCNN. Một trong những điểm mới của Quyết định 19 so với trước đây chính là nâng cao vai trò của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo điều hành xây dựng HTQLCL tại cơ quan của mình.

Trước đây chúng ta dùng cơ chế cấp giấy chứng nhận để khẳng định việc áp dụng có thành công hay không của một cơ quan hành chính nhà nước khi áp dụng hệ thống quản lý này. Quyết định 19 đã thay đổi cơ chế đó. Thay vì cơ chế cấp giấy chứng nhận trước đây với cơ chế tổ chức, kiểm tra việc xây dựng áp dụng và ai là người tổ chức kiểm tra thì trong Quyết định 19 nêu rõ do chính thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước kiểm tra việc này.

Quyết định số 19 đã được triển khai trong thời gian qua, vậy ông có thể cho biết trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện theo QĐ 19/2014/QĐ-TTg?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Theo Quyết định 19, Bộ, ngành, địa phương cần phải xác định rõ các thủ tục hành chính phục vụ cho tổ chức cá nhân cần phải áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 là thủ tục hành chính nào và phải niêm yết công khai trên trang thông tin điện tử của các Bộ, ngành, địa phương.

Dựa trên các thủ tục hành cải cách hành chính đó các Bộ, ngành, địa phương phải xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đối với phạm vi thủ tục hành chính như vậy. 

Cải cách hành chính công: ‘Thắng - thua’ nhờ thủ trưởng!

Theo quy định mới, vai trò của thủ trưởng đơn vị cơ quan hành chính nhà nước sẽ được đề cao

Được biết Tổng cục TCĐLCL đã tiến hành kiểm tra tình hình triển khai tại một số tỉnh, thành phố. Xin ông cho biết đánh giá tình hình thực hiện ở các địa phương như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Linh:  Qua quá trình kiểm tra tình hình triển khai tại một số tỉnh, thành phố trong thời gian vừa qua có thể đánh giá rằng có cơ quan, đơn vị ở địa phương thực hiện việc xây dựng, áp dụng  rất tốt và cũng có cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt việc này.

Ở các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt, việc xây dựng, áp dụng có hiệu lực mang lại hiệu quả thiết thực, có thể nhận thấy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được thể hiện rất rõ nét thông qua việc quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, ý chí quyết tâm, sự nhận thức đúng đắn về HTQLCL của lãnh đạo và cán bộ trong đơn vị. Bên cạnh đó, sự thành công của việc xây dựng, áp dụng tại các đơn vị này không thể thiếu vai trò của đơn vị chủ trì (Sở KHCN) và đơn vị tham mưu (Chi cục TCĐLCL) trong quá trình triển khai thực hiện theo QĐ 19/2014/QĐ-TTg tại địa phương.

Ở các cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt, việc xây dựng, áp dụng vẫn còn mang tính hình thức, quá trình xử lý công việc thực tế với hoạt động xây dựng, áp dụng HTQLCL đang tồn tại song song, tách bạch. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về áp dụng HTQLCL, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo chưa sát sao hoặc giao hết trách nhiệm cho cấp phó.

Đồng thời, vai trò của đơn vị chủ trì và đơn vị tham mưu chưa được thể hiện nhiều. Hoạt động đào tạo, tập huấn chưa thực sự được quan tâm, hoạt động kiểm tra chưa được thực hiện hoặc còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả.

Thực tiễn cho thấy là một số CQHCNN lãnh đạo không quan tâm, sát sao thì gần như kết quả áp dụng ISO như một công việc khác, nội dung khác, “thêm việc” cho cán bộ công chức khi giải quyết công việc hàng ngày. Do đó kết quả thường không cao và chỉ mang tính ứng phó.

Trên thực tế đã có những đơn vị, tổ chức thực hiện rất là tốt việc áp dụng Quyết định 19. Vậy theo ông cần phải có cách thức nào để có thể phát huy và nhân rộng?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Trong quá trình kiểm tra chúng tôi thấy một số CQHCNN rất sáng tạo khi tổ chức triển khai việc này. Điều đó thể hiện ở hiệu quả công việc rất tốt.  Sự thành công này thể hiện ở việc thủ trưởng đơn vị nào quan tâm thì việc xây dựng triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng rất quyết liệt. 

Bên cạnh đó cũng có CQHCNN phối hợp việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng này với chương trình Chấm điểm cải cách hành chính, trong đó cụ thể hóa các nội dung cần phải thực hiện theo hệ thống quản lý chất lượng vào trong cơ chế chấm điểm, đồng thời gắn kết cùng công tác thi đua khen thưởng. Đây là một điển hình rất tốt và  nó cũng đánh giá chính xác kết quả áp dụng của các CQHCNN.

Ngoài ra còn có một số các đơn vị rất sáng tạo trong việc lồng ghép xây dụng áp dụng HTQLCL này với các phần mềm giải quyết công việc. Qua đó, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc để cho ra kết quả ngay đáp ứng được việc theo dõi điều hành của thủ trưởng đơn vị trong việc quản lý công việc của cơ quan mình. Từ đó nắm được những vướng mắc khó khăn trong công việc giải quyết các thủ tục hành chính và đưa ra những biện pháp cải tiến và xử lý kịp thời.

Rõ ràng nếu thực hiện đúng thì Quyết định số 19 sẽ giúp việc xây dựng và áp dụng HTQLCL đi vào bản chất hơn, giảm thiểu việc phụ thuộc vào các tổ chức tư vấn, chứng nhận và tránh trường hợp áp dụng hình thức để được cấp giấy chứng nhận như trước đây. 

Xin cảm ơn ông!

Thanh Uyên (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang