Cải tiến năng suất chất lượng: Còn nhiều doanh nghiệp ‘sợ mất mát, ngại thay đổi’

author 06:57 06/08/2020

(VietQ.vn) - Hiện, việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, là một trong những yếu tố then chốt, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể chinh phục thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Bước chuyển mình mạnh mẽ về năng suất, chất lượng

Kể từ khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Năng suất châu Á (ngày 1/10/1996), vai trò và tầm quan trọng của năng suất, chất lượng đã thực sự được nhấn mạnh tại Việt Nam.

Từ Thập niên Chất lượng lần thứ I (1996-2005), các hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng tại Việt Nam được hình thành, các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm tới vấn đề cải tiến năng suất chất lượng và đã có những bước tiến quan trọng trên chặng đường nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm, hàng hóa và hội nhập quốc tế.

Tiếp nối thành công của Thập niên Chất lượng lần thứ I, Thập niên Chất lượng lần thứ II (2006-2015) với chủ đề “Năng suất chất lượng - chìa khóa phát triển và hội nhập” được đặt ra với mục tiêu tạo lập uy tín chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam”.

Ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712), đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng tại Việt Nam. Sau gần 10 năm triển khai Chương trình 712 trên phạm vi toàn quốc, hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng đã ghi nhận những bước chuyển biến mạnh mẽ. Từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp, người tiêu dùng về năng suất chất lượng. Tính đến nay đã có khoảng 15.000 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng các mô hình mới để cải tiến năng suất, chất lượng.

Thực tiễn từ Công ty CP May Nam Hà cho thấy, là một trong những doanh nghiệp đi đầu của ngành dệt may Việt Nam, May Nam Hà đã áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng như: ISO 9000, 5S, TPM, Lean, KPI, Lean 6 Sigma, Kaizen. Nhận thấy cải tiến năng suất, chất lượng là hoạt động liên tục, từ năm 2018-2019, với sự hỗ trợ từ Viện Năng suất Việt Nam – VNPI (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), công ty tiếp tục xây dựng mô hình nâng cao năng suất chất lượng tổng thể.

Việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến như ISO 9000, 5S, TPM, Lean, KPI... giúp May Nam Hà cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm.

Theo ông Đoàn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty Cổ phần May Nam Hà, cũng như nhiều mô hình cải tiến năng suất chất lượng khác, mô hình nâng cao năng suất tổng thể của May Nam Hà được triển khai dựa trên cách tiếp cận chu trình P-D-C-A. Công ty đã lựa chọn các giải pháp như: Cải tiến hiệu quả máy móc; cải tiến quy trình sản xuất; đào tạo nâng cao nhận thức của người lao động… Nhờ đó, năng suất tổng thể của doanh nghiệp đã tăng lên 23%. Đồng thời, công ty cũng phối hợp với đơn vị cung cấp thiết kế phần mềm chuyên dụng nhằm xây dựng quy trình cải tiến năng suất chuyền may. Nhờ đó, sản xuất thực tế đã tăng từ 70% lên 85% so với kế hoạch ban đầu, góp phần tăng năng suất lao động lên 30%.

Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm là yếu tố cốt lõi

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp thích ứng nhanh để cải tiến năng suất chất lượng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp thờ ơ với vấn đề này, hay nói cách khác là “sợ mất mát, ngại thay đổi”.

Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn), TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, trong nhiều năm qua, Việt Nam cạnh tranh chủ yếu dựa trên giá lao động rẻ và chi phí nguyên liệu thấp (yếu tố cơ bản). Đây là yếu tố dẫn dắt năng lực cạnh tranh sơ khai và ít quan trọng nhất. Trong khi đó, các nước xung quanh đã đi trước chúng ta: Thái Lan và Malaysia tạo dựng lợi thế cạnh tranh bằng cách liên tục cải tiến sản phẩm, dịch vụ; Singapore từ lâu đã cạnh tranh thông qua các sản phẩm, dịch vụ đặc thù với trình độ kỹ thuật rất cao.

Việc dựa dẫm vào lợi thế lao động giá rẻ và chi phí thấp trong một thời gian dài đã khiến các doanh nghiệp lơ là trong việc nâng cao khả năng hoạch định chiến lược, trình độ quản trị, đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện tay nghề lao động và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, dẫn đến kết cục là năng suất của lao động Việt Nam không thu hẹp được khoảng cách so với các nước trong khu vực.

Trong bối cảnh nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, những lợi thế cạnh tranh truyền thống nói trên đang dần biến mất thì vấn đề năng suất thấp sẽ là cản trở lớn đối với việc thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế và chúng ta sẽ không thể tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình. 

 
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI: Tăng năng suất cần phải trở thành động lực chính thúc đẩy năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế của Việt Nam. Khẩu hiệu của chúng ta phải là: “Năng suất, năng suất và năng suất”.
 

Theo báo cáo “Năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam”, vẫn còn khoảng cách lớn giữa năng suất lao động của các doanh nghiệp ngành Công nghiệp chế tạo Việt Nam và các nước thu nhập trung bình trong khu vực (như Trung Quốc, Indonesia và Malaysia) và rất lớn so với các nước công nghiệp (Nhật Bản và Hàn Quốc). Trong trào lưu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), các việc làm có kỹ năng đơn giản và lặp đi lặp lại sẽ bị mất đi do tự động hóa trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhưng phần lớn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam có mức độ sẵn sàng đối với cuộc CMCN 4.0 là rất thấp.

Do đó, ông Lộc nhấn mạnh: “Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA đã mở ra nhiều cơ hội thị trường xuất khẩu quy mô lớn và đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cũng đặt ra những thách thức về khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt, không chỉ ở thị trường quốc tế mà ngay cả thị trường trong nước. Chính vì thế, việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm được coi là yếu tố cốt lõi để các doanh nghiệp Việt và sản phẩm Việt có thể chinh phục được thị trường”.

Ngoài ra, lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng cho biết, thời gian tới cần tiếp tục tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực năng suất, chất lượng, đào tạo kiến thức về tiêu chuẩn, năng suất, chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề; tăng cường hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các giải pháp cải tiến năng suất, chất lượng. Đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đầy đủ cho tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, làm cơ sở cho hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng…

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và 3 nhóm mục tiêu trong điểm(VietQ.vn) - Chương trình quốc gia về NSCL giai đoạn tới sẽ hướng vào 03 nhóm mục tiêu trọng điểm, đó là: Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL; Tăng cường hạ tầng chất lượng quốc gia; Góp phần tăng trưởng kinh tế.

Lê Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang