Cảnh báo cháy, nổ từ máy sấy quần áo trong mùa nồm ẩm

author 15:58 24/02/2025

(VietQ.vn) - Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) vừa đưa ra cảnh báo nguy hiểm cháy, nổ từ máy sấy quần áo trong mùa nồm ẩm.

Thời tiết tại các tỉnh miền Bắc đang mưa phùn, sương mù, tiết nồm, độ ẩm tăng lên rất cao khiến quần áo lâu khô và có mùi khó chịu. Do đó nhu cầu sử dụng các loại máy như máy sấy quần áo hay tủ sấy quần áo của người dân tăng cao. 

Tuy nhiên, nếu người dân sử dụng các thiết bị này không đúng cách hoặc mua phải các sản phẩm kém chất lượng, không đúng tiêu chuẩn sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Việc cháy, nổ từ máy sấy quần áo không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn có thể gây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng con người.

Cháy máy sấy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Ảnh: Ảnh minh họa

Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho gia đình và bản thân, cần phải hiểu rõ nguyên nhân, cách phòng ngừa và giải pháp khi gặp sự cố liên quan đến cháy, nổ từ máy sấy quần áo.

Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ từ máy sấy quần áo, trong đó phổ biến nhất phải kể đến như:

Một, không vệ sinh máy sấy thường xuyên: Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra cháy máy sấy là do không vệ sinh kỹ lưỡng. Bởi vì bẫy lọc không thể bắt tất cả xơ vải từ quần áo, xơ vải có thể tích tụ dần dần và bắt lửa trong bộ phận làm nóng hoặc ống xả. Xơ vải không được loại bỏ hoàn toàn qua bẫy lọc có thể tích tụ và châm ngòi cho ngọn lửa. Tình trạng tắc nghẽn trong hệ thống thông gió cũng góp phần làm tăng nhiệt độ, từ đó dễ dẫn đến cháy.

Hai, bộ phận điều khiển bị hỏng: Lỗi cơ và điện chiếm một phần đáng kể trong các vụ cháy máy sấy. Nguyên nhân là do bộ phận làm nóng bị đoản mạch hoặc vòng bi quá nóng không còn quay tự do và hệ thống dây điện cũ.

Ba, dùng sai hướng dẫn sử dụng: Sử dụng máy sấy không đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất như việc sấy các vật dụng không an toàn như thảm cao su hoặc nhựa vinyl,...

Những vật dụng này thường sẽ có nhãn cảnh báo khuyến cáo không nên cho vào máy sấy. Việc sử dụng không đúng cách cũng bao gồm việc nhồi quá nhiều vào máy sấy, điều này ngăn cản quá trình thông gió thoát khí và gây áp lực lớn hơn cho động cơ quay lồng.

Bốn, bỏ quên vật dễ cháy nổ trong quần áo: Nhiều người có thói quen hút thuốc lá và để bật lửa trong túi áo hoặc túi quần. Nếu chẳng may để quên bật lửa và cho vào máy sấy, dưới tác dụng của nhiệt sẽ có nguy cơ hỏa hoạn rất cao.

Năm, sử dụng máy sấy quần áo kém chất lượng: Việc sử dụng hàng không chính hãng, hàng giả, nhái kém chất lượng là điều cực kỳ nguy hiểm, đưa bạn và gia đình đến những thiệt hại khó lường trước được. Vì vậy, người dùng cần phải lưu ý khi mua sắm sản phẩm để dùng được an toàn, bền lâu và hiệu quả nhất.

Sau, vị trí lắp đặt không phù hợp: Lắp đặt máy sấy gần các vật liệu dễ cháy như rèm cửa, thảm hoặc tủ quần áo có thể tạo ra nguy cơ cháy, nổ. Vì vậy, cần lưu ý khi lắp đặt máy sấy và đảm bảo khoảng cách an toàn giữa máy và các vật liệu dễ cháy.

Bảy, nguồn điện: Điện áp quá cao hoặc quá thấp có thể gây hư hỏng máy sấy và tăng nguy cơ cháy nổ. Vì vậy, cần kiểm tra nguồn điện trước khi sử dụng máy sấy và đảm bảo rằng nó đang hoạt động ở mức an toàn.

Để bảo đảm an toàn khi vận hành các thiết bị điện trong thời tiết nồm ẩm, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên kiểm tra kỹ càng trước khi sử dụng, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và tuân thủ các chỉ dẫn về cách sử dụng các thiết bị điện tử an toàn.

Đối với các loại tủ/máy sấy quần áo, quần áo cần được vắt kiệt nước trước khi cho vào máy, để tránh gây nhỏ nước ra thiết bị. Đặc biệt, trước khi giặt, sấy cần kiểm tra kỹ túi quần áo để loại bỏ các vật dụng như đinh, kẹp, bút, bật lửa…, tránh nguy cơ kẹt vào lồng máy/thiết bị sấy, tạo phản ứng dẫn đến cháy.

Không nên đặt máy trong môi trường ẩm ướt như nhà tắm, nơi bị nước mưa hắt vào. Thiết bị nên được đặt cách tường ít nhất 10-15cm, khoảng cách sàn 80cm, đồng thời không được đặt các vật dễ cháy ở gần. Đối với các thiết điện tử, các đầu giắc cắm, các khớp nối kim loại hay ốc vít đều là những vị trí rất dễ bị nồm ẩm gây gỉ sét, cần được lau khô thường xuyên. Nếu đã bị gỉ thì cần dùng giẻ có thấm cồn để lau sạch.

Trong những ngày độ ẩm tăng cao, các chuyên gia khuyến nghị, các thiết bị điện tử dù không dùng đến cũng nên bật ít nhất một lần/ngày và cắm điện ở chế độ chờ. Chế độ này giúp chúng được giữ ấm ổn định, không tốn nhiều điện năng và bảo vệ linh kiện bên trong khỏi độ ẩm từ môi trường.

Đặc biệt, người dân không nên sử dụng các thiết bị tủ/máy sấy, máy sưởi, thiết bị hút ẩm... trong thời gian dài liên tục để tránh tình trạng quá tải dẫn đến sự cố nóng máy gây cháy, nổ. Trong quá trình sử dụng, cần thường xuyên kiểm tra thiết bị, không nên vận hành thiết bị xuyên đêm để tránh xảy ra sự cố ngoài ý muốn.

Khi xảy ra cháy, nổ, cần hô hoán, báo động cho mọi người xung quanh biết, đồng thời gọi điện cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo số 114 hoặc chính quyền nơi gần nhất, sử dụng phương tiện đạt quy chuẩn để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang