Cẩn trọng nguy cơ gây cháy nổ từ thiết bị điện chuyên dùng trong mùa nồm ẩm

(VietQ.vn) - Việc sử dụng thiết bị điện không đúng cách hoặc kém chất lượng trong mùa nồm ẩm là mối họa tiềm ẩn.
Tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc sản phẩm sữa, tạo thuận lợi cạnh tranh cho doanh nghiệp
Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất thông báo dự thảo quy định đối với bình nước nóng điện
Triệu hồi Porsche 911 do pha chiếu gần quá chói
Theo lý giải từ các chuyên gia, độ ẩm vào những tháng nồm thường xuyên ở mức khoảng 85 - 90%, rất có hại cho hầu hết các thiết bị điện tử vốn nhạy cảm với sự ẩm ướt do dễ bị hỏng hóc vi mạch, lỗi phóng điện, các chi tiết kim loại cũng bị gỉ sét ăn mòn. Bên cạnh đó, nhiều người sử dụng sai cách như để máy chạy quá lâu dẫn đến quá tải hoặc để các chất liệu chăn, vải bông sợi gần máy, khiến thiết bị bị nóng quá mức gây ra chập cháy.
Đặc biệt, thiết bị sấy quần áo dạng tủ rẻ tiền, thường được nhà sản xuất “chế” với mô tơ quạt gió gắn sợi đốt nóng và quây bằng vải bạt bao quanh khung sắt là vật dụng tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Nguyên nhân do khi sử dụng, quần áo được treo phía trên, máy làm nóng đặt phía dưới theo kiểu “xông khói”, nếu quần áo rơi xuống, hoặc đơn giản chỉ là sợi vụn vải kẹt vào có thể dẫn tới cháy thiết bị.
Người dân cần cẩn trọng khi sử dụng các thiết bị điện chuyên dùng trong mùa nồm ẩm
Một nguyên nhân khác phải kể đến là người dân thường ít có thói quen kiểm tra thiết bị điện định kỳ. Máy móc không được sử dụng trong thời gian dài cũng dễ gây nguy cơ hỏng hóc bất thường gây chập cháy.
Để đảm bảo an toàn khi vận hành các thiết bị điện trong thời tiết nồm ẩm, ông Bùi Bá Hưởng – Trưởng Bộ phận Kỹ thuật – Bảo hành, siêu thị điện máy Pico, khuyến cáo:
Đối với các loại tủ/máy sấy quần áo: Quần áo cần được vắt kiệt nước trước khi cho vào máy, để tránh gây nhỏ nước ra thiết bị. Đặc biệt, trước khi giặt, sấy cần kiểm tra kỹ túi quần áo để loại bỏ các vật dụng như đinh, kẹp, bút, bật lửa…, tránh nguy cơ kẹt vào lồng máy/thiết bị sấy, tạo phản ứng dẫn đến cháy. Không nên đặt máy trong môi trường ẩm ướt như nhà tắm, nơi bị nước mưa hắt vào. Thiết bị nên được đặt cách tường ít nhất 10-15cm, khoảng cách sàn 80cm, đồng thời không được đặt các vật dễ cháy ở gần.
Đối với các thiết điện tử: Các đầu giắc cắm, các khớp nối kim loại hay ốc vít đều là những vị trí rất dễ bị nồm ẩm gây gỉ sét, cần được lau khô thường xuyên. Nếu đã bị gỉ thì cần dùng giẻ có thấm cồn để lau sạch.
Ngoài ra, trong những ngày độ ẩm tăng cao, các thiết bị điện tử dù không dùng đến cũng nên bật ít nhất một lần/ngày và cắm điện ở chế độ chờ. Chế độ này giúp chúng được giữ ấm ổn định, không tốn nhiều điện năng và bảo vệ linh kiện bên trong khỏi độ ẩm từ môi trường.
Đặc biệt, người dân không nên sử dụng các thiết bị tủ/máy sấy, máy sưởi, thiết bị hút ẩm... trong thời gian dài liên tục để tránh tình trạng quá tải dẫn đến sự cố nóng máy gây cháy, nổ. Trong quá trình sử dụng, cần thường xuyên kiểm tra thiết bị, không nên vận hành thiết bị xuyên đêm để tránh xảy ra sự cố ngoài ý muốn.
Bảo Linh