Cảnh báo: Đắp bèo tây chữa viêm khớp, bệnh tình nghiêm trọng thêm

author 13:30 01/06/2022

(VietQ.vn) - Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) mới đây đã cấp cứu cho bệnh nhân nữ 70 tuổi bị áp xe nặng cổ tay do đắp bèo tây chữa viêm khớp.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ tay trái, đã tiêm thuốc để điều trị viêm khớp (Depo – Medrol) một lần tại bệnh viện. Tuy nhiên, người bệnh không tuân thủ điều trị, tự đến phòng khám tư để tiêm thuốc. Bà còn đắp cây bèo tây vào cẳng tay, cổ tay trái để nhanh khỏi. Tình trạng ngày càng nặng, vùng cẳng tay trái bệnh nhân bị sưng nề, tấy đỏ, rò dịch, phải nhập viện cấp cứu.

Tại khoa Tâm thần kinh – Cơ xương khớp, các bác sĩ chẩn đoán bà bị áp xe cẳng tay trái, phải điều trị kháng sinh và can thiệp ngoại khoa. Hiện, vết thương cổ tay trái của bà đã khô, không sưng tấy đỏ song cần theo dõi lâu dài.

Trường hợp tương tự trước đó tại Khoa Nội cơ xương khớp, BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nữ là bà V.T.H (58 tuổi), nhập viện trong tình trạng bị sưng nề, tấy đỏ và phỏng rộp vùng da xung quanh hai khớp gối.

Bà H. cho biết, trước đây bà bị đau ở hai khớp gối, đã uống thuốc nam để điều trị. Sau đó, nghe lời hàng xóm, bà hái một loại lá, xào chung với giấm, sau đó giã ra đắp lên hai khớp gối. Sau khi đắp lá được hai tuần, xung quanh vùng gối của bà bị ngứa dữ dội, các vết đỏ lan rộng và phồng rộp. Bà đến khám ở bệnh viện địa phương, được điều trị trong 2 ngày, sau đó chuyển đến BV Chợ Rẫy.

 Không nên tự ý đắp lá bèo tây trị viêm khớp

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Khoa - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp BV Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân có tình trạng phỏng rộp, bội nhiễm, viêm nhiễm mô mềm quanh khớp gối sau khi đắp thuốc, trên nền thoái hóa khớp gối. Bệnh nhân đã được điều trị kháng viêm, kháng sinh, các tổn thương mô mềm ở hai khớp gối dần ổn định.

Theo các bác sĩ, bệnh thoái hóa khớp là bệnh mạn tính thường gặp ở những người trung niên và lớn tuổi, đặc biệt là ở phụ nữ cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay cũng có những người ở độ tuổi 30 đã xuất hiện các triệu chứng thoái hóa khớp, do những nguyên nhân như di truyền, béo phì, chấn thương khớp… do không được điều trị kịp thời.

Biểu hiện thường gặp khi bị thoái hóa khớp gối là tình trạng cứng khớp, đau khớp sau khi ngồi lâu… Trong một số ít trường hợp có tình trạng sưng, tràn dịch trong khớp.

Nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, phù hợp ở các cơ sở y tế chuyên khoa, bệnh có thể ổn định, các triệu chứng sẽ được kiểm soát và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Bên cạnh việc điều trị, người bệnh cần thay đổi thói quen sinh hoạt, lối sống lành mạnh để "sống chung" với bệnh.

Thực tế, nhiều bệnh nhân không hiểu được bản chất của bệnh nên thường tự ý mua thuốc để sử dụng, hoặc áp dụng các phương pháp phản khoa học, dẫn đến những biến chứng nặng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Do đó, theo các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh mắc các bệnh cơ xương khớp không nên đến cơ sở kém chất lượng để tiêm thuốc, dễ dẫn đến nhiễm trùng, thậm chí tử vong do quy trình không đảm bảo.

Bệnh lý cơ xương khớp ở mức độ nhẹ nếu điều trị đúng, kịp thời sẽ cho kết quả tốt và nhanh chóng. Người bệnh không nên tự mua và uống các loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ để giảm cơn đau nhanh chóng.

Bên cạnh đó, mọi người không đắp các loại lá cây, bã thuốc không rõ nguồn gốc lên các tổn thương da, cơ, khớp... hoặc áp dụng bài thuốc gia truyền của các thầy lang để điều trị. Không lạm dụng thuốc tiêm để giảm cơn đau. Bệnh nhân cần được thăm khám và phải dùng thuốc đúng chỉ định. Thuốc dùng lâu dài phải được bác sĩ theo sát để điều chỉnh liều phù hợp giai đoạn bệnh và xử trí kịp thời nếu có tác dụng phụ.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang