Cảnh báo: Mạo danh BHXH để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng
Tiêu chuẩn ISO 50001 cải tiến hiệu suất và tiêu thụ năng lượng cho doanh nghiệp
Gia Lai: Xử phạt 3 cơ sở sửa chữa xe ô tô vi phạm trong lĩnh vực môi trường
Các biến chứng khó lường khi làm đẹp ở tuổi 'xế chiều'
Mới đây, BHXH huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được thông tin phản ánh của chị T. (ngụ huyện Cần Giờ) về việc trong quá trình truy cập ứng dụng Facebook, chị này thấy có trang Bảo hiểm Việt Nam cùng dòng chữ “Cung cấp dịch vụ Giải ngân trước hạn. 1. Làm lại sổ BHXH - 2. Hỗ trợ giải ngân hồ sơ quá hạn”.
Do nghe nói đóng BHXH thì khi sinh đẻ sẽ được nhận tiền trợ cấp thai sản mà không biết quy định là phải đóng đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh, nên mặc dù đã nghỉ việc hơn một năm sau đó mới có bầu, sinh con, chị T. vẫn đinh ninh rằng mình còn khoản tiền trợ cấp thai sản đã quá thời hạn mà chưa rút. Vì vậy, chị T. đã kích vào mục “Gửi tin nhắn” để tìm hiểu và nhận được tin nhắn qua ứng dụng Messenger với nội dung “Liên hệ với chuyên gia về bảo hiểm để được tư vấn qua Zalo”.
Nhận được tin nhắn trên, chị T. đã chủ động kết bạn với tài khoản Zalo tên “Lương Uyên”. Sau đó, người này đồng ý và tự giới thiệu là “Chuyên viên của BHXH Việt Nam”. Điều đáng nói là trước đó, chị T. đã tới Cơ quan BHXH huyện Cần Giờ để hỏi về khoản tiền trợ cấp thai sản và được chuyên viên BHXH huyện giải thích kỹ càng về việc trường hợp của chị không đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật, nhưng chị T. vẫn muốn tìm cách lách luật để được hưởng quyền lợi.
Nắm bắt được tâm lý này của người lao động, các đối tượng sử dụng những ngôn ngữ, cách giải thích đánh trúng vào tâm lý của người lao động như “quá hạn”, “trước hạn”, “trường hợp đặc biệt”, “lên Bộ Lao động làm đơn”… khiến cho người lao động tin tưởng nhưng lại thấy “khó” quá mà chấp nhận “làm dịch vụ”.
Sau khi lấy được lòng tin bước đầu, chuyên viên BHXH giả mạo yêu cầu chị T. cung cấp thông tin cá nhân, chụp hình CCCD và tài khoản ngân hàng để chuyển tiền giải quyết chế độ thai sản cho chị T. là hơn 17,7 triệu đồng; nhưng nói rằng số tiền không được chi trả một lần mà theo quy định là phải chia thành 5 lần.
Theo BHXH Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tội phạm công nghệ cao thực hiện hành vi mạo danh cơ quan BHXH để gọi điện hướng dẫn cập nhật căn cước công dân, cài đặt VssID (ứng dụng BHXH số) để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của người dân.
Hành vi mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng là gọi điện cho người lao động xưng là nhân viên BHXH, cung cấp một số thông tin cá nhân của người lao động để tạo lòng tin, sau đó dẫn chuyện để lừa đảo.
Nếu người lao động tin ngay và hỏi "cách làm như thế nào, xin hướng dẫn cho tôi?" thì đối tượng lừa đảo yêu cầu lấy một điện thoại của người thân để hướng dẫn cách cập nhật, sau đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng và rút hết tiền.
Nếu người lao động vẫn còn do dự thì đối tượng lừa đảo yêu cầu lên cơ quan BHXH để cập nhật. Một lúc sau, đối tượng lừa đảo sẽ điện lại hối thúc lên BHXH để làm thủ tục. Nhiều lần hối thúc như vậy làm cho người lao động tin tưởng và làm theo hướng dẫn để đỡ mất công phải lên cơ quan BHXH.
Để chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng của người dân, đối tượng lừa đảo thường yêu cầu người lao động bấm vào đường link đã được gửi qua zalo, facebook, email... Khi người dân bấm vào sẽ xuất hiện một ứng dụng có giao diện tương tự như ứng dụng VssID của BHXH hoặc ứng dụng của ngân hàng.
Đối tượng lừa đảo yêu cầu đăng nhập vào ứng dụng đó, nhưng thực chất ứng dụng đó là do đối tượng lừa đảo tạo ra để thu thập tên đăng nhập và mật khẩu khi người lao động nhập vào. Ngay lập tức, đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt quyền đăng nhập vào app của ngân hàng và thực hiện chuyển tiền.
Cơ quan BHXH cảnh báo người lao động không thực hiện cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào của mình cho người khác khi nghe điện thoại và chia sẻ thông tin này cho người thân, bạn bè để cảnh giác.
Theo BHXH Thành phố Hồ Chí Minh, người dân có thể nhận dạng hành vi lừa đảo khi mình không thực hiện nộp hồ sơ thủ tục tại cơ quan Nhà Nước mà có người mạo danh cơ quan Nhà Nước gọi điện để yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân.
Bởi thông thường, khi cơ quan Nhà nước có yêu cầu người dân thực hiện kê khai hoặc cập nhật thông tin thì phối hợp với chính quyền địa phương để thông báo hoặc qua các kênh truyền thông chính thống.
Ngoài ra, đối tượng lừa đảo thường thực hiện liên lạc qua mạng xã hội, gửi văn bản, thông báo hoặc gọi điện trực tiếp yêu cầu cài đặt, cập nhật VssID, đăng ký sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử tích hợp…
Đối tượng thường mạo danh nhân viên cơ quan BHXH gọi điện thoại để yêu cầu đăng ký cập nhật căn cước công dân, cài VssID, hướng dẫn hồ sơ thủ tục...
Thanh Hiền (t/h)