Cảnh báo bột ngọt không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác bán tràn lan
Cục Đăng kiểm cảnh báo thủ đoạn mạo danh để lừa đảo, chiếm đoạt tiền
Chuyên gia y tế cảnh báo những điều nguy hiểm nhất khi ăn thịt cóc
Cảnh báo băng vệ sinh chứa kim loại nặng, chất diệt cỏ nguy cơ gây ung thư
Nhiều tỉnh thành tràn lan bột ngọt không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin nhiều bạn đọc bày tỏ những lo ngại liên quan đến các sản phẩm mì chính (bột ngọt) không rõ nguyên liệu nhập từ nước nào được san chiết, đóng gói và tiêu thụ trong nước. Độc giả lo lắng về chất lượng của các sản phẩm mì chính nói trên khi trên bao bì vẫn có thương hiệu và công ty đóng gói lại không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ để người tiêu dùng có thể biết. Đặc biệt, thời gian qua, cơ quan chức năng từng thu giữ nhiều sản phẩm bột ngọt 25kg được nhập lậu từ Trung Quốc về. Các bao bột ngọt Trung Quốc này thường không có hóa đơn, chứng từ mua bán.
Cụ thể, bạn đọc tại tỉnh An Giang đã gửi một số thông tin, hình ảnh về sản phẩm gia vị có tên "Bột ngọt SELA". Thông tin trên bao bì ghi Sản phẩm của Công ty TNHH một thành viên SELA tím, có địa chỉ tại số 64H3 Nguyễn Trường Tộ, phường Bình Khánh, thành phố Long Xuyên. Nơi đóng gói tại địa điểm kinh doanh Thoại Sơn - Công ty TNHH một thành viên SELA tím, tỉnh lộ 943, tổ 14, ấp Hòa Thới, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Qua quan sát trên bao bì sản phẩm này ghi nhận không tìm thấy thông tin ghi rõ về xuất xứ hàng hóa, cũng như không tìm thấy thông tin tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói, đóng chai theo quy định. Ngoài ra, cũng không đề thông tin về ngày sản xuất và hạn sử dụng.
Được biết, Công ty TNHH một thành viên SELA tím đã bị Đội Quản lý thị trường số 3 Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang lập biên bản vi phạm hành chính, biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ hàng hóa sau một đợt kiểm tra vào ngày 23/10 vì hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định.
Độc giả tại tỉnh Bình Định cũng cung cấp thông tin, hình ảnh về sản phẩm có tên trên bao bì là "Bột ngọt (mì chính) Phuta 777". Trên bao bì ghi thông tin: Cơ sở sản xuất, đóng gói bột ngọt 777, địa chỉ tại tổ 13, khu vực 2, phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Khi quan sát trên bao bì cũng không tìm thấy thông tin ghi rõ về xuất xứ hàng hóa, cũng như không tìm thấy thông tin tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói theo quy định.
Độc giả tại Hà Nội cũng đã gửi thông tin, hình ảnh của một số sản phẩm gia vị có tên trên bao bì như sau: Các sản phẩm: "Bột ngọt - mì chính Vua - King"; "Bột ngọt (mì chính) Aji - Gold"; "Mì chính (bột ngọt) Arion". Trên bao bì ghi thông tin: Sản phẩm của Công ty TNHH Thực phẩm Starfood Việt Nam, địa chỉ tại số 27/533 đường Tam Trinh, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai. Đóng gói tại số 93 Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Sản phẩm có tên "Bột ngọt (mì chính) Kimochi" trên bao bì ghi thông tin: Sản xuất và đóng gói tại Công ty cổ phần dịch vụ TM & XNK thực phẩm Đông Tây; Phân phối bởi Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Xuất nhập khẩu Đông Tây. Địa chỉ tại 12/180 Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế, Hà Nội.
Sản phẩm có tên "Bột ngọt (mì chính) Fuji-Moto" trên bao bì ghi thông tin: Sản phẩm của Công ty TNHH Thực phẩm quốc tế Homefood có địa chỉ tại số 26, khu Bộ đội biên phòng, phường Văn Quán, quận Hà Đông.
Sản phẩm có tên "Bột ngọt (mì chính) Sakara" trên bao bì ghi thông tin: Công ty chịu trách nhiệm sản phẩm là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại thực phẩm Nam Thắng. Địa chỉ tại số 39T Phố Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Cơ sở đóng gói: Số nhà 8/10, ngõ 53 phố Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội.
Các sản phẩm nói trên, qua quan sát trên bao bì ghi nhận không tìm thấy thông tin ghi rõ về xuất xứ hàng hóa, cũng như không tìm thấy thông tin tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói theo quy định.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh bạn đọc đã gửi các thông tin về một số sản phẩm cũng không ghi đầy đủ thông tin theo quy định trên bao bì hàng hóa. Cụ thể, sản phẩm có tên "Bột ngọt (mì chính) Aj-Food" thông tin trên bao bì ghi: Sản phẩm của Công ty TNHH Quốc tế ECOFOOD có địa chỉ tại 237/98/22 Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp. Đóng gói tại Công ty TNHH Liên Sen, địa chỉ tại số 19 đường 44, khu phố 1, tổ 6, phường 16, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh.
Các sản phẩm có tên "Bột ngọt (mì chính) Han'Ei Suru"; "Bột ngọt (mì chính) Kjmoto" trên bao bì ghi thông tin Công ty TNHH Liên Sen, địa chỉ tại số 19 đường 44, khu phố 1, tổ 6, phường 16, quận 8. Cơ sở đóng gói tại 17 Phạm Đức Sơn, phường 16, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, sản phẩm có tên "Bột ngọt Meizan" trên bao bì ghi thông tin đóng gói tại Việt Nam bởi Công ty TNHH Thực Phẩm Quốc Tế Nam Dương có địa chỉ tại Lô C20a-3, đường số 14, Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.
Sản phẩm khác có tên "Bột ngọt Queen" trên bao bì ghi thông tin Công ty TNHH Thực phẩm Nguyên Bình có địa chỉ tại 135/22 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh. San chia đóng gói tại Miền Nam, Chi nhánh 1 Công ty TNHH Thực phẩm Nguyên Bình, địa chỉ 1827/4, Nguyễn Duy Trinh, phường Trường Thạnh, thành phố Thủ Đức. Miền Bắc, Chi nhánh Công ty TNHH Thực phẩm Nguyên Bình, địa chỉ QL 5A, Km 15, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Một sản phẩm khác có tên "Bột ngọt (mì chính) Oji - Star" thông tin trên bao bì ghi Công ty TNHH sản xuất - đóng gói - gia công - thương mại và dịch vụ Nam Phong có địa chỉ tại 114 Lê Lợi, phường 4, quận Gò Vấp.
Các sản phẩm nói trên, qua quan sát trên bao bì không tìm thấy thông tin ghi rõ về xuất xứ hàng hóa, cũng như không tìm thấy thông tin tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói theo quy định.
Riêng sản phẩm có tên "Bột ngọt Queen" của Công ty TNHH Thực phẩm Nguyên Bình trên bao bì có ghi thông tin "xuất xứ Trung Quốc", tuy nhiên không ghi rõ thông tin tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói theo quy định.
Bên cạnh đó, tại tỉnh Vĩnh Phúc, độc giả gửi thông tin về sản phẩm có tên "Bột ngọt (mì chính) Asato" trên bao bì ghi thông tin Công nghệ sản xuất và thương mại thực phẩm Nhân Thịnh có địa chỉ tại Trung tâm thương mại Phúc Sơn, Thượng Trưng, Vĩnh Tường.
Đồng thời, tại tỉnh Phú Thọ, một sản phẩm có tên "Mì chính (bột ngọt) Famimoto" trên bao bì ghi đóng gói và phân phối bởi Công ty TNHH SX&TM Thực phẩm Gia Đình, địa chỉ tại đội 12, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì. Theo quan sát, thông tin về xuất xứ hàng hóa, cũng như thông tin tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói không được ghi rõ trên bao bì các sản phẩm nói trên theo quy định.
Nhiều sản phẩm bột ngọt không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường. Ảnh: Tạp chí GDVN
Ngoài những ghi nhận từ bạn đọc tại nhiều tỉnh thành về chất lượng sản phẩm bột ngọt trên thị trường, thực tế thời gian qua lực lượng quản lý thị trường một số tỉnh thành đã phát hiện và thu giữ lượng lớn bột ngọt nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Tại tỉnh Quảng Trị, Cục Quản lý thị trường liên tiếp phát hiện và thu giữ bột ngọt không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo đó vào ngày 30/8/2024, qua thực hiện công tác quản lý địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh N.T.T.T, địa chỉ tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và phát hiện, tạm giữ 100 gói bột ngọt Thái Lan sản xuất nhập lậu với tổng trọng lượng là 50kg.
Vào ngày 5/9/2024, qua xác minh thông tin chính xác, Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã tiến hành khám phương tiện vận tải xe ôtô mang biển số đăng ký 74D - 001XX do ông T.V.V, có địa chỉ tại xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị là người điều khiển phương tiện. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên phương tiện có 75kg bột ngọt trên bao bì in hình "cái muỗng" (gồm 150 gói, loại 500g/gói) do Thái Lan sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp. Làm việc với tổ công tác, ông T.V.V đã thừa nhận là chủ sở hữu số hàng hóa nêu trên.
Tiếp đến vào ngày 01/10/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị tiến hành khám phương tiện xe ô tô tải mang biển số đăng ký 74C-XXX phát hiện 250 kg bột ngọt hiệu cái muỗng (cái môi), do Thái Lan sản xuất được đóng trong 500 gói nilon (loại 500gram/gói). Tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện là ông L.Đ.H (địa chỉ tại khu phố 2, phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) không xuất trình được hoá đơn, chứng từ, hồ sơ, tài liệu chứng minh tính hợp pháp của số hàng hoá nói trên.
Tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, lực lượng trinh sát đặc nhiệm Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Đồn Biên phòng Chí Linh và Cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh Thành Tài (phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu) do ông Võ Trung Thành (sinh năm 1980, ngụ Kiên Giang) làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại kho hàng của cơ sở này có 136 bao đường (loại 50kg/bao); 21 bao bột ngọt (loại 25kg/bao) với tổng trọng lượng hơn 7,3 tấn, bên ngoài các bao bì có in chữ nước ngoài. Quá trình kiểm tra, ông Thành không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên. Vì vậy cơ quan chức năng đã lập biên bản, tạm giữ số hàng này.
Tác hại lâu dài của bột ngọt nhập lậu, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ
Theo cơ quan chức năng, các sản phẩm hàng hóa nhập lậu vào Việt Nam theo con đường không chính ngạch, không được các cơ quan chức năng kiểm duyệt về chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, chúng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng. Một trong số những mặt hàng nhập lậu được bán trong cộng đồng đó là bột ngọt.
Theo kết quả phân tích trước đó của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (Quatest1) với một số mẫu bột ngọt nhập lậu bị thu giữ tại Hà Nội có xuất xứ từ Trung Quốc cho thấy hàm lượng glutamate tinh khiết cao nhất chỉ đạt 96,48%, trong khi theo quy định của Bộ Y tế, hàm lượng này phải đạt từ 99%.
Theo Sở Y tế Hà Nội, người tiêu dùng không nên sử dụng bột ngọt không rõ xuất xứ, vì nó không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể gây nguy hại cho sức khỏe. Đặc biệt nguy hiểm nếu sử dụng những loại gia vị như bột ngọt không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể bị nhiễm tạp chất. Nhẹ thì gây ra ngộ độc cấp, với biểu hiện đau đầu, chóng mặt. Về lâu dài, có thể gây ngộ độc mãn tính.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo, hàng hóa hay thực phẩm không rõ nguồn gốc thì không kiểm soát được chất lượng, không xác định được độ tinh khiết của sản phẩm, lượng hóa chất nguy hại bị nhiễm trong đó. Ngay cả quy trình bao gói, vệ sinh nhà xưởng, con người tham gia việc bao gói không đạt tiêu chuẩn sẽ khiến cho sản phẩm rất dễ nhiễm các vi sinh gây bệnh đường tiêu hóa.
Theo BS. CKII Trần Thị Kim Chi - Trưởng khoa Dinh dưỡng- Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết thêm, tác hại của bột ngọt nhập lậu có thể khiến cho người tiêu dùng trong một khoảng thời gian ngắn sau khi sử dụng sẽ có những triệu chứng như nhức đầu, choáng váng, thậm chí là buồn nôn tiêu chảy, đau bụng…
Và nguy hại hơn nữa, phần chìm của tảng băng trôi mà chúng ta không biết được đó là ngộ độc mãn tính lâu dài, có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể, đưa đến tình trạng suy gan, suy thận hoặc thậm chí trong nhiều năm có thể tồn tại những chất độc, hóa chất gây hại là những chất sinh ung, làm tăng nguy cơ ung thư.
Tình trạng bột ngọt lậu còn gây ảnh hưởng đến nguồn thu của nhà nước, bởi đây là hành vi gian lận, trốn thuế; đồng thời tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, từ đó có thể làm giảm cơ hội việc làm từ các doanh nghiệp này cho người lao động trong nước.
Như vậy, bột ngọt nhập lậu với chất lượng bị thả nổi đang vô hình “đầu độc” những người dân chưa nhận thức được tính nguy hại của loại bột ngọt này, dễ dẫn tới những “quả đắng” cho sức khỏe người tiêu dùng. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, bột ngọt nhập lậu còn gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế đất nước. Hãy là những người tiêu dùng thông thái để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
An Dương (T/h)