Chiến lược bán hàng mới của các sàn thương mại điện tử

author 20:17 11/02/2025

(VietQ.vn) - Mua hàng qua video sẽ là xu hướng mới được các sàn thương mại điện tử (TMĐT) tập trung khai thác. Nhà bán hàng cần phát triển mô hình đa kênh, tăng cường dịch vụ như giao hàng nhanh, hậu mãi, ưu đãi riêng để thu hút khách.

Chị Chu Thị Hiền (hay còn được gọi là ZhuZhu) là một KOC với nhiều nội dung giới thiệu, trải nghiệm sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, người Việt Nam đang sinh sống tại Hàng Châu, Trung Quốc nhận định, 2025 sẽ là năm thị trường bán hàng trực tuyến có sự ổn định, thay vì khách hàng chỉ mua khi có hành vi giảm giá sâu từ các phiên livestream mọc lên như nấm. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của loạt nghệ sĩ, người nổi tiếng hoạt động trong giới giải trí cũng nhập cuộc, buộc nhà bán hàng nhỏ lẻ phải tìm ngách riêng để tạo ưu thế cạnh tranh.

Chị Hiền cho biết, để vận hành một phiên live bán hàng từ 4-12 tiếng, đội ngũ phải kết hợp ít nhất với 15 thương hiệu, đặt mục tiêu doanh thu trung bình cho từng phiên livestream với lượng đơn thu về khoảng 10.000-20.000 đơn.

Theo KOC này, mỗi người bán hàng đều có một chiến lược và thế mạnh riêng khai thác từ lượng người theo dõi của mình. Với hướng đi chuyên về giới thiệu, trải nghiệm sản phẩm từ đầu, chị đầu tư nhiều vào đội chăm sóc khách hàng, đội dùng thử sản phẩm, tìm các mã hàng ngách mới của nội địa Trung Quốc, thương lượng với nhãn hàng cho ra mức giá tốt nhất trong một thời điểm có giới hạn.

Trong 2025, chị xác định đúng mục tiêu của kênh để đầu tư nội dung phù hợp. Khi chính sách hàng giá rẻ nhập khẩu tăng thuế dẫn đến tăng giá bán, hành vi người mua sẽ không ảnh hưởng nhiều nếu đó là sản phẩm tốt và chất lượng.

Hiện, các sàn TMĐT đã công bố chính sách mới áp dụng trong 2025. Với mức thuế và chiết khấu tăng lên phần nào làm mặt bằng giá ổn định, giữa các kênh mua sắm sẽ không còn sự chênh lệch với nhau quá nhiều về giá, người bán hàng cũng cạnh tranh lành mạnh, không đổ xô “đạp giá” bán xuống.

Mức độ cạnh tranh trong thương mại điện tử tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng với sự tham gia của nhiều nền tảng thương mại điện tử lớn, xuyên biên giới.

Với mức chi phí kinh doanh trên sàn TMĐT đang dao động khoảng 15%, người bán còn phải mất thêm khoảng 10 - 20% khoản tiền khác liên quan đến thuế, phiếu quà tặng, quảng cáo…

Người bán phải cân đối giá vốn, chi phí và giá bán để không thua lỗ… Nhìn chung, khi bước vào sân chơi TMĐT, "người chơi" phải tuân thủ rất nhiều điều "hà khắc" để tồn tại được.

Về phía người mua hàng, khi đã có xu hướng và thói quen chỉ mua sắm online, những lượt sao đánh giá hay bình luận "lấy lòng" đã không còn ý nghĩa. Khi đó, những người bán có uy tín và có lượt bán cao mới bán được hàng. Những người mới bán hoặc có lượt bán thấp rất khó cạnh tranh nếu không đầu tư bài bản và có chiến lược phát triển.

Phát triển kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến mở ra cơ hội giúp cho nhà bán hàng dễ dàng tiếp cận được nguồn khách hàng rộng lớn và tăng doanh thu. Trong bối cảnh này, các sàn TMĐT cạnh tranh nhau, mỗi sàn sẽ đưa ra nhiều quy định để hướng tới bảo tín thương mại, bảo vệ người tiêu dùng.

Để tồn tại, trước hết các chủ cửa hàng phải "nằm lòng" luật và học cách không phạm luật. Các nền tảng TMĐT cung cấp chính sách đổi trả, bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, giúp giảm rủi ro khi mua hàng từ nước ngoài.

Ngoài ra, giá cả cạnh tranh từ các thương hiệu quốc tế cũng là yếu tố quan trọng, khi nhiều sản phẩm nhập khẩu có giá tốt hơn nhờ vào chi phí sản xuất thấp. Đây là tín hiệu quan trọng cho các doanh nghiệp nội địa, đòi hỏi họ phải tối ưu sản phẩm và chiến lược giá để có thể cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế.

Xu hướng mua sắm, khi người tiêu dùng ngày càng ưu tiên đặt hàng trực tuyến thay vì mua sắm tại chợ truyền thống hoặc siêu thị. Những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của ngành này bao gồm sự tiện lợi và tốc độ giao hàng nhanh hơn, giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian đáng kể. Ngoài ra, các chương trình khuyến mãi và mã giảm giá hấp dẫn cũng khiến việc mua thực phẩm online trở nên kinh tế hơn.

Thanh Hiền (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang