Chống thất thu thuế trong thương mại điện tử là vấn đề ‘nóng’

author 08:32 09/11/2022

(VietQ.vn) - Để chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử, biện pháp đầu tiên là phải củng cố nền tảng về mặt pháp lý để đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý thực hiện các biện pháp quản lý.

Theo ước tính, tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến ở Việt Nam chiếm trên 90% và có tới 3,5 triệu lượt giao dịch 1 ngày trên sàn thương mại điện tử, chưa kể các nền tảng mạng xã hội. Do đó, chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử luôn là vấn đề nóng thời gian qua.

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết, hoạt động thương mại điện tử là hoạt động thương mại mới, có rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý thuế. Cụ thể, khó khăn trong quản lý đầy đủ nguồn thu và đối tượng nộp thuế. Người nộp thuế có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Bên cạnh đó là việc tính thuế, rất khó phân biệt các loại thu nhập. Thương mại điện tử có nhiều loại như: phí dịch vụ, phí bản quyền… rất nhiều loại chi phí cần làm rõ để phân biệt tính làm cơ sở đánh thuế.

Chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử luôn là vấn đề nóng. Ảnh minh họa.

“Khó khăn tiếp theo là quản lý các đối tượng. Vì có thể đối tượng đánh thuế là tổ chức hoặc cá nhân, 1 cá nhân có thể mở nhiều gian hàng trên mạng xã hội, cũng có thể bán hàng trên nhiều nền tảng thương mại điện tử khác nhau. Khó khăn nữa là quản lý dòng tiền. Vấn đề này không hề đơn giản vì tại Việt Nam việc giao dịch tiền mặt vẫn phổ biến, có thể nói giao dịch tiền mặt vẫn khá nhiều so với qua ngân hàng…”, bà Nguyễn Thị Lan Anh thông tin.

Để chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử, GS. TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, biện pháp đầu tiên là phải củng cố nền tảng về mặt pháp lý để đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý thực hiện các biện pháp quản lý. Bởi có rất nhiều sản phẩm diễn ra trong quá trình giao dịch trên nền tảng mạng thì không thuộc vào các sản phẩm hàng hóa đã quy định như các hàng hóa thông thường, cho nên phải quy định về mặt luật pháp để đưa những sản phẩm ấy vào đối tượng thu thuế.

“Trong giao dịch hàng hóa thông thường, đối tượng người nộp thuế, người chịu thuế có hiện diện tại nơi quản lý thuế, nhưng trên không gian mạng, đặc biệt là xuyên biên giới thì những người nộp thuế không hiện diện ở đây, nên việc quản lý không phải quản lý con người tham gia vào giao dịch mà là quản lý hoạt động kinh tế. Hoạt động kinh tế có diễn ra thì dù anh ở đâu, nhưng có hoạt động kinh tế trên địa bàn thì tôi sẽ đưa ra tiêu chí đánh giá, phân khu pháp luật và anh phải chịu trách nhiệm nộp thuế”, GS.TS. Hoàng Văn Cường phân tích, đồng thời cho rằng, cần có khuôn khổ pháp lý để thực thi công tác quản lý đảm bảo sự đồng bộ giữa pháp luật trong nước, đặc biệt đảm bảo yếu tố quốc tế.

GS. TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội. 

Cùng với đó, công tác thiết lập tổ chức, con người phải có người thực thi. Trước đây, quản lý thuế thường sử dụng bộ máy con người như thanh tra quản lý, kê khai trực tiếp thì bây giờ chuyển sang thông qua hệ thống điện tử. "Bộ máy điện tử này không dừng lại là cơ quan thuế, mà có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa cơ quan thuế và các cơ quan khác, ví dụ như ngành công thương, thông tin truyền thông hay ngân hàng. Bộ máy đó gần như liên thông với nhau để có thể tạo ra được một cơ quan có trách nhiệm kiểm soát và thực thi các biện pháp quản lý. Tôi cho rằng có lẽ đấy là biện pháp mà mà hầu hết các nước đang tiến tới sử dụng trong nội bộ", GS. TS. Cường bày tỏ.

Ngoài ra, nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện khai thuế, nộp thuế, ngày 21/3/2022 Bộ Tài chính đã chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và triển khai Ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho các cá nhân.

Đồng thời, ngành thuế cũng xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử; áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và lúc đó xử lý dữ liệu lớn ở đây là cả quản lý các dữ liệu về công tác quản lý thuế và dữ liệu về hóa đơn điện tử.

Ngành cũng xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đáp ứng kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước và người nộp thuế, các sàn giao dịch thương mại điện tử để tạo điều kiện cho việc kê khai nộp thuế 24/7 đáp ứng nhu cầu thương mại điện tử.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang