Chủ động nguồn nguyên liệu – bài toán còn nan giải đối với doanh nghiệp

author 07:20 06/03/2022

(VietQ.vn) - Hiện nay, các doanh nghiệp đang dần phục hồi sản xuất trở lại, việc chủ động nguồn nguyên liệu ổn định cho kế hoạch sản xuất kinh doanh, phục vụ cho những đơn hàng lớn đang bài toán cần có lời giải thời gian tới.

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như dệt may, chế biến gỗ... Trong thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp đang dần phục hồi sản xuất trở lại, việc chủ động nguồn nguyên liệu ổn định cho kế hoạch sản xuất kinh doanh, phục vụ cho những đơn hàng lớn đang bài toán cần có lời giải thời gian tới.

Cụ thể, đối với ngành dệt may, để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguyên phụ liệu do phụ thuộc vào nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các đơn vị cung cấp trong nước để tận dụng tối đa ưu đãi từ các FTA. Đồng thời, linh hoạt trong công tác điều hành xuất nhập khẩu trong khâu vận chuyển (tàu biển, đường bộ, hàng không…) để luôn đảm bảo tiến độ giao hàng đúng hạn và tạo được uy tín lớn với khách hàng.

Việc chủ động nguồn nguyên liệu ổn định cho kế hoạch sản xuất kinh doanh, phục vụ cho những đơn hàng lớn đang bài toán cần có lời giải thời gian tới. 

Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty CP May 10, toàn bộ hệ thống của nhà máy sản xuất sản phẩm xuất khẩu hiện nay đều đảm bảo được yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh câu chuyện nhà máy xanh, một yếu tố nữa phải nói đến là nguồn nguyên liệu xanh. Bởi rất nhiều khách hàng yêu cầu sản phẩm phải sử dụng nguyên liệu vải có tính chất tái chế để không ảnh hưởng nhiều tài nguyên. Nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, tái chế, dễ phân huỷ để sau khi sản phẩm sử dụng xong chỉ 5-10 năm tự phân huỷ…

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm nhấn mạnh, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp ngành dệt may phải xây dựng tầm nhìn mới, có khát vọng khẳng định vị thế. Ngành dệt may Việt Nam không cạnh tranh lao động giá rẻ mà cạnh tranh về chất lượng, công nghệ, năng suất, thời gian giao hàng, minh bạch, tiết giảm tối đa năng lượng, tài nguyên và môi trường.

Hay đối với ngành gỗ, mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 5 - 6 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ (gỗ nguyên liệu) để chế biến ra các sản phẩm gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên hiện nay, gỗ nguyên liệu từ các nguồn cung rủi ro thấp như Mỹ và các nước châu Âu khan hiếm, đẩy giá tăng cao. Hiện nay, nhiều nhà cung đang chào hàng gỗ cho các doanh nghiệp Việt Nam với mức giá cao hơn rất nhiều so với trước đó.

Thời gian tới, để tạo được nguồn gỗ nguyên liệu trong nước phục vụ tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu, ông Tô Xuân Phúc chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends đề cập đến các cơ chế, chính sách về liên kết chuỗi và về đất đai có những thay đổi mang tính đột phá.

Cụ thể, cần siết chặt kiểm soát, quản lý và minh bạch hóa thị trường nội địa để giúp giảm lượng cung gỗ rủi ro nhập khẩu, từ đó tạo cơ hội cho các nguồn gỗ rừng trồng trong nước, bao gồm cả gỗ tạo ra bởi các mô hình liên kết phát triển; cần đa dạng hóa các loài cây nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về chủng loại sản phẩm.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang