Cố tình ‘thổi phồng’ công dụng, viên sủi Moli đã được cấp phép quảng cáo?

author 13:38 18/04/2022

(VietQ.vn) - Khi tra cứu thông tin về giấy phép quảng cáo trên Cổng thông tin của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, sản phẩm viên sủi Moli không có dữ liệu trong phần thông tin về giấy phép quảng cáo.

Được biết, TPBVSK Moli thực chất chỉ có công dụng hỗ trợ ăn ngủ ngon, thiếu ngủ... do Công ty TNHH TM và Dịch vụ TCG Việt Nam (có địa chỉ tại tầng 1, số 44 Nguyễn Viết Xuân, Phường Khương Mai, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội) chịu trách nhiệm phân phối.

Nhận thấy nhu cầu tăng cân của nhiều người tiêu dùng, tổ chức kinh doanh viên sủi Moli đã quảng cáo sản phẩm với công dụng không có thật, nhằm lừa dối người tiêu dùng chi tiền mua sản phẩm. Do vậy, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua sản phẩm này.

Cố tình ‘thổi phồng’ công dụng, viên sủi Moli đã được cấp phép quảng cáo?

 Nghi vấn sản phẩm này chưa được cấp phép quảng cáo.

Theo ghi nhận của Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), sản phẩm viên sủi Moli đang quảng cáo trên mạng xã hội với cam kết tăng cân nhanh chóng, không tích nước, khi dừng cân không giảm... Cụ thể, trên nhiều trang mạng xã hội viên sủi Moli được tổ chức kinh doanh quảng cáo tăng cân nhanh, ngủ ngon, sâu giấc hơn... thậm chí thần thái, tâm trạng cũng thay đổi.

Ngoài ra, sản phẩm này còn “nổ” là sản phẩm tự nhiên hiệu quả dành cho những người gầy lâu năm. Ứng dụng công nghệ tăng cân số 1 Nhật Bản và tinh chất ELDERBERRY từ châu Âu, giúp giữ lại 99% tinh chất của thảo dược và loại bỏ những chất không cần thiết. Bên cạnh đó tổ chức kinh doanh còn quảng cáo thành phần có trong viên sủi này giúp tăng cường sức đề kháng và cải thiện hệ tiêu hóa hiệu quả siêu việt.

Để lừa dối người tiêu dùng, tổ chức kinh doanh viên sủi Moli cho rằng, cơ thể gầy gò không chỉ ảnh hưởng tới ngoại hình mà khiến hệ miễn dịch kém; tăng nguy cơ loãng xương, giòn xương, dễ vỡ và yếu, giảm khả năng tập trung trí não, khả năng vô sinh, hiếm muộn cao...

Để giải quyết thực trạng trên, tổ chức kinh doanh khéo léo lồng ghép đưa sản phẩm viên sủi này và giới thiệu đây là phương pháp tăng cân hiệu quả, vượt trội dành cho người gầy lâu năm.

Theo những gì mà tổ chức kinh doanh quảng cáo, quá trình sử dụng viên sủi Moli sẽ giúp tăng cân, tăng cơ, sở hữu thân hình cân đối, lý tưởng; giúp cải thiện hệ tiêu hóa và chứng ăn uống kém tiêu, gia tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng; giúp ăn ngủ ngon hơn, tinh thần sảng khoái, khi ngừng sử dụng không giảm cân... và ngầm khẳng định hiệu quả lâu dài con số “vống” 1.000 nghìn khách hàng đã tin dùng và hiệu quả kinh ngạc.

Không những vậy, tổ chức kinh doanh viên sủi Moli còn đăng tải hàng loạt hình ảnh giới thiệu là khách hàng đã sử dụng tăng cân hiệu quả mà chưa được cơ quan nào chứng nhận. Do đó, có thể thấy đây là một trong những chiêu trò quảng cáo của đơn vị đưa ra để “bẫy” người tiêu dùng.

Theo tìm hiểu của PV, Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế không cấp phép lưu hành cho sản phẩm nào có tên “Viên sủi tăng cân Moli”. Cục chỉ cấp xác nhận cho TPBVSK viên sủi Moli. Vậy nên tổ chức kinh doanh quảng cáo về sản phẩm này đang tràn lan trên mạng xã hội là không đúng sự thật, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác.

Cố tình ‘thổi phồng’ công dụng, viên sủi Moli đã được cấp phép quảng cáo?

Quảng cáo sản phẩm viên sủi tăng cân là dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Ảnh chụp màn hình

Theo chuyên gia pháp lý, mức phạt vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng cụ thể với từng trường hợp. Theo đó, căn cứ vào Nghị định 158/2013/NĐ-CP ban hành ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực, văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo có nêu: Việc tiến hành quảng cáo thực phẩm chức năng có thể bị phạt vi phạm hành chính trong một số trường hợp sau:

– Mức phạt vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đọc rõ ràng nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” khi quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình.

– Mức phạt vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi, quảng cáo thiếu một trong các nội dung: tác dụng chính và tác dụng phụ; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;

– Mức phạt vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm;

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang