Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Tân Hoàng Minh Phát: Tham gia là trúng thầu?

author 09:29 07/10/2021

(VietQ.vn) - Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày càng được đề cao, nhằm đảm bảo lựa chọn được sản phẩm tốt, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong không ít lĩnh vực vẫn tồn tại một số bất cập.

Điển hình, hàng loạt gói thầu mua sắm thiết bị sử dụng Phần mềm nghiệp vụ thủ tục tàu biển tại các Cảng vụ hàng hải thuộc Cục Hàng hải Việt Nam đưa nhãn hiệu vào Hồ sơ mời thầu (HSMT). Đáng chú ý, các gói thầu được tổ chức theo hình thức đấu thầu rộng rãi này lại chỉ duy nhất 01 nhà thầu tham dự và trúng thầu là Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Tân Hoàng Minh Phát- Công ty cổ phần phát triển nguồn mở và dịch vụ FDS.

Dấu hiệu vi phạm đấu thầu tại nhiều gói thầu mua sắm thuộc Cục Hàng Hải

Điều 89, Luật Đấu thầu 2013 quy định các hành vi bị cấm trong đấu thầu: Không bảo đảm công bằng, minh bạch, bao gồm các hành vi như: Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong HSMT thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế;…

Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Cũng không được nêu nhãn hiệu khi có thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ.

Thế nhưng, hàng loạt gói thầu đấu thầu rộng rãi mua sắm thiết bị triển khai đưa vào sử dụng Phần mềm nghiệp vụ thủ tục tàu biển đã đi ngược lại quy định trên.

Cụ thể, gói thầu số 02: Mua sắm thiết bị và triển khai đưa vào sử dụng phần mềm nghiệp vụ thủ tục tàu biển tại Cảng vụ Hàng hải Nha Trang. Nhà thầu trúng thầu Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Tân Hoàng Minh Phát- Công ty cổ phần phát triển nguồn mở và dịch vụ FDS. Giá trúng thầu: 693.731.000 đồng (Quyết định phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu - KQLCNT Cảng vụ Hàng hải Nha Trang ngày 26/11/2019).

Trong HSMT, phần tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, bên mời thầu yêu cầu: Máy chủ HP DL380 Gen9 8SFF CTO Server. Đi kèm với đó là các thông số HP DL380 Gen9 E5-2620v3 FIO Kit HP DL380 Gen9 E5-2620v3 Kit, HP 8GB 1Rx4 PC4-2133P-R Kit, HP 1TB 12G SAS 7.2K 2.5in 512e SC HDD, HP Smart Array P440ar/2G FIO Controller, HP 2U SFF Easy Install Rail Kit. Bộ lưu điện cho máy chủ: Santak Rack Mount True – Online C3KR 3kVA / 2.1 Kw.

Tương tự, gói thầu số 02: Mua sắm thiết bị và triển khai đưa vào sử dụng phần mềm nghiệp vụ thủ tục tàu biển tại Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ. Nhà thầu trúng thầu Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Tân Hoàng Minh Phát- Công ty cổ phần phát triển nguồn mở và dịch vụ FDS. Giá trúng thầu: 724.025.000 đồng (Quyết định phê duyệt KQLCNT của Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ ngày 22/11/2019).

HSMT gói thầu này cũng quy định Máy chủ HP DL380 Gen9 8SFF CTO Server. Đi kèm với đó là các thông số HP DL380 Gen9 E5-2620v3 FIO Kit HP DL380 Gen9 E5-2620v3 Kit, HP 8GB 1Rx4 PC4-2133P-R Kit, HP 1TB 12G SAS 7.2K 2.5in 512e SC HDD, HP Smart Array P440ar/2G FIO Controller, HP 2U SFF Easy Install Rail Kit; Bộ lưu điện cho máy chủ: Santak Rack Mount True – Online C3KR 3kVA / 2.1 Kw.

Và hàng loạt gói thầu khác cũng đưa ra quy định tương tự với hàng hoá chào thầu. Đó là gói thầu số 02: Mua sắm thiết bị và triển khai đưa vào sử dụng phần mềm nghiệp vụ thủ tục tàu biển tại Cảng vụ Hàng hải Đồng Tháp (Giá trúng thầu: 682.133.000 đồng); Gói thầu mua sắm thiết bị và triển khai đưa vào sử dụng  Phần mềm nghiệp vụ thủ tục tàu biển tại Cảng vụ Hàng hải Cà Mau (Giá trúng thầu: 677.639.000 đồng); tại Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị (giá trúng thầu 626.909.000 đồng); tại Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi (giá trúng thầu 641.359.000 đồng); tại Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam (giá trúng thầu 630.387.000 đồng)…

Tất cả các gói thầu trên, nhà thầu trúng thầu - Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ  Tân Hoàng Minh Phát- Công ty cổ phần phát triển nguồn  mở và dịch vụ FDS. Thời điểm phê duyệt KQLCNT vào tháng 11/2019.

Dư luận đặt câu hỏi, có hay không sự can thiệp thông qua việc xác định thông số kỹ thuật rất đặc trưng của hàng hóa trong HSMT các gói thầu của cảng vụ thuộc Cục Hàng hải Việt Nam?

Theo một chuyên gia về công nghệ thông tin, nếu máy tính trong HSMT đã nêu thương hiệu HP DL380 Gen9 8SFF CTO Server thì rất khó khăn cho sản phẩm của thương hiệu máy tính mạnh khác có thể tham gia chào thầu. Thậm chí, các thông số như: HP DL380 Gen9 E5-2620v3 FIO Kit HP DL380 Gen9 E5-2620v3 Kit, HP 8GB 1Rx4 PC4-2133P-R Kit, HP 1TB 12G SAS 7.2K 2.5in 512e SC HDD, là đặc trưng của dòng máy chủ HP DL380 của hãng máy tính HP.

Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng có sự "sắp đặt" để Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Tân Hoàng Minh Phát trúng thầu ngay khi các Cảng Vụ thuộc Cục Hàng Hải Việt Nam lập HSMT?

Bình luận về chi tiết này, một chuyên gia đấu thầu phân tích: “Dù chủ đầu tư có sử dụng cụm từ “hoặc tương đương” trong HSMT, nhưng lại “rất biết chọn” chi tiết đắt giá nhất của hàng hóa mang yếu tố độc quyền của hãng cụ thể. Với những thông số đưa như trên tại HSMT của các Cảng vụ Hàng hải, dù hàng hóa của các nhà thầu khác đáp ứng nhiều tiêu chí, nhưng lại bị “bắt bẻ” bởi những tiểu tiết này”.

Và khi HSMT chứa đựng tiêu chí kỹ thuật cản trở sự tham gia rộng rãi của các nhà thầu, thì áp dụng cụm từ “hoặc tương đương” đã không được hiểu đúng bản chất trong đấu thầu - vị chuyên gia nói thêm.

Trong khi đó, một điểm đáng chú ý là tại gói thầu do các Cảng vụ hàng hải trên, thông số kỹ thuật hàng hoá trúng thầu và thông số kỹ thuật hàng hoá quy định tại yêu cầu kỹ thuật trong HSMT trùng nhau 100%.

Ngoài ra, chỉ có duy nhất Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Tân Hoàng Minh Phát - Công ty cổ phần phát triển nguồn mở và dịch vụ FDS dự thầu và trúng thầu. Điều này khiến dư luận đặt ra nghi vấn có hay không việc dàn xếp, ưu ái nhà thầu quen mặt, HSMT cài cắm tiêu chí làm hạn chế các nhà thầu khác tham gia. Như vậy, liệu có đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh trong công tác đấu thầu?

HSMT “vẽ” thêm điều kiện hạn chế nhà thầu?

Không chỉ có dấu hiệu "cài cắm" tiêu chí về kỹ thuật hạn chế nhà thầu, tại gói thầu mua sắm thiết bị phần mềm thủ tục tàu biển, còn có dấu hiệu yêu cầu năng lực cao hơn so với yêu cầu của gói thầu "nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu".

Đơn cử như Gói thầu số 02: Mua sắm thiết bị và triển khai đưa vào sử dụng phần mềm nghiệp vụ thủ tục tàu biển tại Cảng vụ Hàng hải Nha Trang; Gói thầu số 02: Mua sắm thiết bị và triển khai đưa vào sử dụng phần mềm nghiệp vụ thủ tục tàu biển tại Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị; Gói thầu số 02: Mua sắm thiết bị và triển khai đưa vào sử dụng phần mềm nghiệp vụ thủ tục tàu biển tại Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi; Gói thầu số 02: Mua sắm thiết bị và triển khai đưa vào sử dụng phần mềm nghiệp vụ thủ tục tàu biển tại Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam.

Để đáp ứng tiêu chí về năng lực kinh nghiệm, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải chứng minh đã hoàn thành toàn bộ hoặc ít nhất 70% khối lượng công việc của Hợp đồng tương tự cung cấp hoặc triển khai thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm thủ tục hành chính công thuộc lĩnh vực hàng hải, đường thủy tham gia cơ chế một cửa Quốc gia có kết nối qua hệ thống thông tin của Bộ GTVT có giá trị tối thiểu theo yêu cầu (trong vòng 3 năm trở lại, từ năm 2016 tới thời điểm đóng thầu). Tổng giá trị các hợp đồng tương tự được xét của cả liên danh nhà thầu có giá trị tối thiểu là 490 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo thông tin mà chúng tôi có được, trong 3 năm trở lại đây, Hợp đồng cung cấp hoặc triển khai thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm thủ tục hành chính công thuộc lĩnh vực hàng hải, đường thủy tham gia cơ chế một cửa Quốc gia có kết nối qua hệ thống thông tin của Bộ GTVT lại do chính Cục Hàng Hải Việt Nam làm chủ đầu tư. Đó là Gói thầu số 3: “Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin của Cục Hàng hải Việt Nam để phục vụ cài đặt phần mềm dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực hàng hải tham gia Cơ chế một cửa quốc gia”.

Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Tân Hoàng Minh Phát là nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu gói thầu này với mức giá trúng thầu 2.117.850.000 đồng.

Dư luận đặt câu hỏi phải chăng có sự “sắp đặt” để Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Tân Hoàng Minh Phát trúng thầu ngay khi các Cảng vụ thuộc Cục Hàng hải Việt Nam lập HSMT trước khi tổ chức đấu thầu các gói thầu mua sắm trên?

Trong khi đó, Chỉ thị số 47/2017/CT-TTg quy định khi xây dựng hồ sơ mời thầu không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu.

Ngoài những gói thầu trên, hàng loạt gói thầu mua sắm thiết bị phần mềm thủ tục tàu biển do các Cảng vụ thuộc hệ thống Cục Hàng hải Việt Nam (chúng tôi phản ánh trên) làm chủ đầu tư đều “rơi vào tay” Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Tân Hoàng Minh Phát.

Như chúng tôi đã phản ánh trong loạt bài trước, “Đưa nhãn hiệu hàng hóa vào hồ sơ mời thầu, Cục Hàng hải có đang 'ưu ái' cho nhà thầu?” (https://vietq.vn/co-tinh-dua-nhan-hieu-hang-hoa-vao-hsmt-cuc-hang-hai-co-dang-uu-ai-cho-nha-thau-nao-d187385.html) CTCP Đầu tư và Công nghệ Tân Hoàng Minh Phát cũng trúng thầu gói thầu này. Và chủ đầu tư Cục Hàng hải Việt Nam khi lập HSMT cho gói thầu số Gói thầu số 3: “Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin của Cục Hàng hải Việt Nam”, đã nêu hàng loạt nhãn hiệu hàng hoá khi lập và phê duyệt HSMT gói thầu trên. Trong khi các yêu cầu kỹ thuật của hàng hoá chào thầu đã được quy định rất cụ thể tại HSMT.

Đáng chú ý, một số gói thầu, trong HSDT, Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Tân Hoàng Minh Phát- Công ty cổ phần phát triển nguồn mở và dịch vụ FDS có dấu hiệu bất thường khi kê khai huy động nhân sự cho nhiều gói thầu. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều cảng vụ thuộc Cục Hàng hải đã không xem xét, làm rõ quy định pháp luật đấu thầu. Ngoài ra, đối với phần hàng hoá trúng thầu, nhiều mặt hàng chào thầu không rõ ràng về xuất xứ hàng hoá những vẫn được lãnh đạo Cảng vụ thuộc Cục Hàng hải “chấp thuận”.

Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Nhóm PVĐT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang