Đồ chay giả mặn: Những góc khuất kinh hoàng

author 16:24 13/12/2017

(VietQ.vn) - Để đáp ứng nhu cầu muốn ăn chay nhưng lại giống đồ mặn nhiều người đã sử dụng những hương liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến đồ chay.

Theo quan niệm Phật giáo cho rằng, ăn chay để tĩnh tâm, kiêng sát sinh, loại bỏ tham, sân, si và nuôi dưỡng tâm hồn. Ngày nay, đối tượng ăn chay mở rộng và trở thành thực đơn được ưa chuộng trong văn hóa ẩm thực của người Việt.

Để chế biến được những món chay giống món mặn nhiều người đã sử dụng hương liệu để "phù phép". Ảnh minh họa 

Các chuyên gia cho biết, thực phẩm chay thường được làm từ tinh bột, ngũ cốc và đạm thực vật. Tuy nhiên, để bảo đảm độ dai và mùi vị giống như thực phẩm mặn, các đơn vị sản xuất chế biến đã thêm các hóa chất tạo màu, tạo mùi.

Báo Gia đình và Xã hội đăng tải, thực tế các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều bê bối liên quan đến đồ ăn chay. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM từng công bố một kết quả khiến những người ăn chay trường phải giật mình: Hàm lượng acid oxalic, chất gây sỏi thận có trong thực phẩm chay khá cao. Kết quả được đưa ra sau khi kiểm tra 4 mẫu mì thường được dùng trong các mẫu đồ ăn chay như hủ tiếu khô, mì sợi khô, mì căn.

Gần nhất là Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Bạc Liêu đã kiểm tra các sản phẩm chay giả mặn đóng gói trên địa bàn TP Bạc Liêu đã gửi kiểm nghiệm 23 mẫu thực phẩm chay nghi ngờ không an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả, có 3/5 mẫu dương tính với hàn the, 4/18 mẫu còn lại bị nhiễm vi sinh.

Bác sỹ Nguyễn Trọng An, Chuyên gia Dinh dưỡng Bà mẹ - Trẻ em, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho rằng tại Việt Nam cũng như một số nơi như Đài Loan, Trung Quốc… có trào lưu “ăn chay giả mặn”, theo ông không nên khuyến khích. Với ý nghĩa ăn chay để thanh lọc cơ thể thì những món chay giả mặn chỉ đáp ứng nhu cầu ăn kiêng còn lại chưa đáp ứng được yêu cầu của người ăn chay. Vì người ăn chay là phải ăn theo chế độ dinh dưỡng thuần khiết tự nhiên nhất mà thực phẩm chay giả mặn lúc này đã được bổ sung thêm vào nhiều chất khác vào có thể rất độc hại như chất bảo quản, chất tạo mùi cho giống thật, tạo vị, chất định hình… không rõ nguồn gốc, thậm chí ngay cả những nhà sản xuất cũng không biết được tác hại của nó. Do vậy nếu ăn trong một thời gian dài và ăn liên tục hàng tháng thì không những đã không thanh lọc được cơ thể mà trái lại đang tự đầu độc cơ thể bởi những tác nhân xấu và sẽ gây ra một số bệnh về sau này.

Trao đổi trên báo Lao động Thủ đôTS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa HN) cho biết: "“Đặc biệt đối với các món chay giả mặn, phụ gia chính là chất định hình để tạo hình cho giống các loại thịt, cá. Đây là những chất được bán trôi nổi trên thị trường và phần lớn không có nguồn gốc rõ ràng. Nếu muốn ăn chay, người tiêu dùng nên sử dụng những thực phẩm tươi như rau, củ và hạn chế thực phẩm giả mặn để tránh được những nguy cơ sức khỏe khó lường trước".

Theo TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), đặc thù thực phẩm chay là chế biến từ rau củ quả nên các sản phẩm chay giả mặn như lẩu riêu cua chay... đòi hỏi yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm cao. Khi chế biến, chỉ nên sử dụng các thành phần tự nhiên được chiết xuất từ nguyên liệu đậu nành, bột mì, bột bắp, sử dụng hương màu tự nhiên từ cà chua, màu điều…

Tuy nhiên, cũng theo TS Thịnh, để bảo quản thực phẩm đóng hộp bắt buộc phải dùng tới các phụ gia như chất tạo màu, tạo hương vị... để hấp dẫn người mua và giữ được lâu hơn. “Vì thế đối với các sản phẩm chế biến sẵn, người tiêu dùng chỉ sử dụng khi kiểm soát được nguồn gốc của nguyên liệu hoặc hàng có thương hiệu.

Đối với thực phẩm chay ngoại nhập, cần mua hàng có nguồn gốc rõ ràng, có tem nhãn phụ, hạn sử dụng...” - TS Thịnh nói.

Minh Châu (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang