Đô thị thông minh: Giải pháp hiệu quả cho quá trình đô thị hóa tại Việt Nam
Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành đô thị thông minh
Tập đoàn FLC dự kiến đầu tư đô thị thông minh tại Thái Bình
Thực hành tốt áp dụng tiêu chuẩn trong phát triển Đô thị thông minh khu vực APEC
Vấn đề chủ yếu tồn tại trong quá trình đô thị hóa tại Việt Nam
Việt Nam đang trong tiến trình phát triển thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2017 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới chuyển biến tích cực với đà tăng trưởng khả quan từ kinh tế Mỹ và các nước phát triển. Theo đó, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2017 ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%; quý II đã khởi sắc hơn quý I với tốc độ tăng 6,17% , trong đó nguồn thu từ các hoạt động kinh tế đô thị, đặc biệt các thành phố lớn, các đô thị gắn với phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu GDP cả nước, khẳng định vai trò của hệ thống đô thị động lực chủ đạo của Việt Nam.
Đô thị hóa mạnh mẽ tại các đô thị lớn đang tạo hiệu ứng thúc đẩy đô thị hóa nhanh lan toả diện rộng trên phạm vi các tỉnh, các vùng và cả nước. Nhiều đô thị mới, khu đô thị mới được hình thành phát triển; nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở: đường xá, điện nước, cơ sở giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường…Các đô thị Việt Nam đang nỗ lực phát triển, nâng tầm cao với kiến trúc hiện đại.
Các đô thị lớn như ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng đã có nền tảng phát triển kinh tế vững chắc, số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại cũng tăng mạnh hơn. Tại đây, các động lực phát triển mới đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các lĩnh vực giáo dục, dịch vụ tài chính – ngân hàng, bất động sản, viễn thông và truyền thông… Các nơi có điều kiện tự nhiên đặc biệt như Hạ Long, Nha Trang, Đà Lạt, Sa Pa, Phú Quốc… hay các đô thị có di sản văn hóa - lịch sử tầm cỡ quốc gia và quốc tế như Huế, Hội An, Hạ Long, Côn Đảo,…thì du lịch đã trở thành động lực phát triển chính. Hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật các đô thị loại II trở lên đã được tăng cường, đô thị loại IV trở lên đã được nâng cấp, cải thiện điều kiện hạ tầng cơ sở (điện đường, trường trạm, môi trường nước, rác…) nhờ các khoản đầu tư trong và ngoài nước.
Đánh giá chung phát triển đô thị hóa Việt Nam trong giai đoạn vừa qua có nhiều chuyển biến về số lượng, với tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Đông Nam Á (khoảng 3,4%/năm). Tính đến tháng 12/2015, cả nước có 787 đô thị, trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 42 đô thị loại III, 75 đô thị loại IV và 628 đô thị loại V . Các chỉ tiêu về tỷ lệ đô thị hóa, hạ tầng kỹ thuật đô thị đều có chuyển biến tích cực. Hiện nay, dân số đô thị của Việt Nam đạt khoảng 35,7% và ước tính đến năm 2020 có khoảng 40% dân số Việt Nam sống trong các khu vực đô thị. Kết quả là không gian các đô thị được mở rộng một cách mạnh mẽ trên khắp cả nước.
Mặc dù hệ thống đô thị Việt Nam đang phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng đô thị còn đạt thấp. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý và phát triển đô thị còn thấp so với yêu cầu; Tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng ở phần lớn đô thị Việt Nam đều chậm so với phát triển kinh tế xã hội.
Phát triển đô thị và đô thị hóa trên phạm vi toàn quốc hiện chưa thể hiện rõ bản sắc địa phương và đặc điểm khí hậu vùng, miền, tạo sự cách biệt giữa đô thị và nông thôn. Bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị còn lộn xộn, thiếu thẩm mỹ. Tài nguyên đất bị khai thác triệt để để xây dựng đô thị, diện tích cây xanh và mặt nước bị thu hẹp, nhu cầu sản xuất, dịch vụ ngày càng tăng làm suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Hệ thống hạ tầng đô thị bị quá tải gây nên các hiện tượng tắc nghẽn giao thông, úng ngập và vệ sinh môi trường đô thị hóa lan rộng làm các khu vực này lại nằm lọt vào giữa khu dân cư đông đúc. Việc mở rộng đô thị dẫn đến chiếm dụng đất nông nghiệp ảnh hưởng đến an toàn lương thực quốc gia. Năng lực thu gom xử lý rác thải rắn đặc biệt là các chất thải rắn nguy hại chưa được thực hiện đúng quy định. Đặc điểm thói quen sử dụng giao thông cá nhân gây lãng phí nghiêm trọng nguồn thiên nhiên, ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn.
Về kinh tế, tài chính đô thị còn hoạt động kém hiệu quả, công tác điều phối vốn đầu tư xây dựng còn bị dàn trải, việc huy động vốn từ các nguồn vốn vay, khối kinh tế tư nhân và từ cộng đồng chưa tạo động lực kích hoạt quá trình phát triển. Phát triển các khu kinh tế, đặc khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung cấp quốc gia, cấp tỉnh còn dàn trải, chưa có sự lựa chọn thích hợp cho thành công.
Tỷ lệ dân đô thị được cấp nước sạch còn thấp. Xử lý nước thải chưa được chú trọng tại hầu hết các đô thị, thiếu sự đồng bộ trong xây dựng và khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc các tuyến đường tại các đô thị. Hệ thống cây xanh, mặt nước (sông, hồ) trong nhiều đô thị bị suy giảm.
Đô thị thông minh – giải pháp cho các vấn đề trên
Theo nghĩa chung nhất, đô thị thông minh được định nghĩa là đô thị sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông, nhờ đó các cơ sở hạ tầng quan trọng nhất, cũng như các thành tố và dịch vụ công được sử dụng và cung cấp có hiệu quả và có tính tương tác cao hơn với người dân.
Theo nghĩa rộng hơn, một đô thị được coi là “thông minh” khi những khoản mục đầu tư vào nguồn nhân lực và vốn xã hội, cũng như là cơ sở hạ tầng truyền thông, sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững, đem lại cuộc sống chất lượng tốt hơn cho cư dân, cùng với việc kiểm soát các nguồn tài nguyên một cách hợp lý hơn thông qua chính phủ có sự tham gia của người dân.
Khi đó, đô thị thông minh sẽ cho phép phát triển tối đa các khía cạnh về kinh tế, xã hội, môi trường và phúc lợi đối với toàn bộ đối tượng tham gia vào đô thị như cư dân, các công ty thuộc khu vực tư nhân và khu vực hành chính công, cũng như thúc đẩy sự phát triển này theo hướng bền vững hơn. Bên cạnh đó, đô thị thông minh cũng sẽ tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới hơn, từ đó tạo ra nền tảng vững chắc và môi trường khuyến khích thúc đẩy sự sáng tạo của cư dân và các doanh nghiệp.
Nhìn một cách tổng thể, đô thị thông minh là một không gian đô thị với các cơ sở hạ tầng, mạng lưới thông minh chứa hàng triệu các bộ cảm biến và bộ dẫn động tương tác với con người thông qua hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông. Không gian như vậy kết hợp với việc sử dụng các công nghệ phân tích tiên tiến tại thời điểm thực sẽ cho phép các thành phần đang hoạt động trong đô thị (cư dân, doanh nghiệp, chính quyền) nhận thức và hiểu biết về các sự kiện đang diễn ra tại mọi thời điểm, từ đó đưa ra các quyết định cũng như các thông tin và dịch vụ phù hợp nhất cho cư dân của đô thị, hoặc từ đó nâng cấp và cải tiến các dịch vụ được cung cấp.
Đô thị thông minh chứa đầy đủ các thành tố của một đô thị thông thường, nhưng các thành tố chính vượt trội hơn các đô thị thông thường bao gồm:
Giao thông đô thị: giao thông trong đô thị thông minh được kiểm soát tại thời điểm thực, thông qua việc kiểm soát các phương tiện công cộng, kiểm soát các bãi đỗ xe, sử dụng các ứng dụng theo dõi quãng đường, khuyến khích sử dụng xe đạp, xe điện, Theo ENEA , kinh nghiệm triển khai giao thông thông minh tại các đô thị tại Nhật và Hoa Kỳ cho phép nâng cao hiệu quả sử dụng phương tiện, mức độ an toàn, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường của toàn hệ thống giao thông. Cụ thể hơn, thời gian di chuyển tổng thể của toàn hệ thống được giảm khoảng 15-20%; tiêu hao năng lượng giảm 12% và lượng khí thải ra môi trường giảm 10%. Bên cạnh đó, khả năng vận chuyển tăng 5-10% và giảm số lượng các vụ tai nạn lên tới 15%.
Quản lý năng lượng hiệu quả thông qua các hệ thống lưới điện thông minh, đồng hồ đo thông minh, kiểm soát các thông số môi trường như hàm lượng CO2, NOx v.v.. Một số đô thị trên thế giới đã triển khai các hệ thống quản lý năng lượng thông minh và có hiệu quả rất cao. Ví dụ như Washington DC đã điều chỉnh và thay thế khoảng 7800 thiết bị tiêu thụ năng lượng trong gia đình trong năm 2004. Cho đến năm 2013, tính cả chi phí cho việc vận hành và bảo trì các thiết bị này, thành phố đã tiết kiệm được 4,6 triệu Euro nhờ việc thay thế này.
Quản lý cơ sở hạ tầng của đô thị thông qua việc quản lý các tòa nhà công, quản lý cơ sở hạ tầng của đô thị như công viên, cây xanh, đường phố, thông báo về tai nạn do cư dân phát hiện v.v.. Việc quản lý này có thể thực hiện thông qua hàng triệu bộ cảm biến và bộ kích động, kết hợp với các thiết bị điện thoại thông minh và hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông có thể cho phép chính quyền cũng như cư dân tham gia vào việc quản lý cơ sở hạ tầng một cách hiệu quả hơn rất nhiều.
An ninh cho cộng đồng: An ninh của cộng đồng được đảm bảo nhờ việc quản lý hiệu quả các dịch vụ cứu hộ và khẩn cấp, cũng như các lực lượng an ninh. Dựa vào các cảm biến, các camera thông minh cho phép phát hiện tình huống hoặc tai nạn phát sinh tại thời điểm thực, nhờ đó các lực lượng ứng cứu sẽ nhận được thông tin ngay lập tức, và triển khai phương án để xử lý và giải quyết.
Ngoài ra, sức khỏe của cư dân trong đô thị cũng được quan tâm chăm sóc tốt hơn thông qua việc quản lý hiệu quả các dịch vụ khám chữa bệnh, thu gom và xử lý các nguồn thải, đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho người dân nhờ việc kiểm soát chặt chẽ các thông số môi trường thông qua các đầu dò.
Có thể nói, quá trình đô thị hóa tại nước ta hiện nay là xu hướng tất yếu và không thể tránh khỏi. Đi kèm với quá trình này là rất nhiều những vấn đề gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội và cuộc sống của cư dân. Đô thị thông minh mặc dù là một khái niệm còn rất mới mẻ, nhưng với các ưu điểm của mình, Đô thị thông minh chính là giải pháp hiệu quả để xử lý các vấn đề của đô thị hóa, nhờ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân, đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững của đô thị.
Nhóm tác giả: Nguyễn Tuấn Anh, Phạm Lê Cường, Trần Thu Hà
Trung tâm Chứng nhận Phù hợp – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng