Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành đô thị thông minh

author 09:03 09/08/2017

(VietQ.vn) - Tỉnh Lâm Đồng cùng đối tác đang triển khai đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Ngày 8/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức cuộc họp về Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Tham dự và chủ trì cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phan Tâm, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (đơn vị tỉnh Lâm Đồng) cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND TP. Đà Lạt và các thành viên Ban Điều hành Đề án.

Cuộc họp đã nghe đơn vị tư vấn là Tập đoàn VNPT báo cáo tóm tắt kết quả triển khai Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Lắng nghe các ý kiến tham luận, góp ý của đại diện các Sở, ban ngành và UBND TP. Đà Lạt về các nội dung cơ bản của Đề án.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Lamdong.gov.vn 

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Phan Tâm ghi nhận những nổ lực của Tập đoàn VNPT trong việc phối hợp với chính quyền địa phương trong xây dựng Đề án. Đồng thời đánh giá cao sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các Sở, ban ngành, đoàn thể liên quan trong việc triển khai xây dựng Đề án.

Đây là lĩnh vực mới, chưa có hình mẫu trên thế giới, tuy nhiên với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, doanh nghiệp, Bộ TT&TT sẽ luôn ủng hộ, đồng hành cùng chính quyền địa phương để xây dựng thành công Đề án. Với những cơ chế, chính sách đặc thù mà Chính phủ áp dụng cho Đà Lạt, cộng thêm tiềm năng lợi thế về cảnh quan, môi trường thì định hướng xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh là hoàn toàn khả thi. Thứ trưởng cũng lưu ý địa phương trong việc hỗ trợ, xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào Công viên phần mềm Quang Trung – Đà Lạt và Khu CNTT tập trung của tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến cho rằng xây dựng thành phố thông minh là xu hướng của thế giới gắn liền với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Vì vậy, việc triển khai xây dựng Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành. Sau khi góp ý, hoàn thiện Đề án Tỉnh ủy sẽ tổ chức cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy mở rộng để xin ý kiến nhằm tạo cơ sở pháp lý và đồng thuận trong triển khai thực hiện.

Việc xây dựng thành phố thông minh hướng tới cung cấp cơ sở hạ tầng thông tin đồng bộ, hiện đại phục vụ các cơ quan nhà nước và các tổ chức, công dân, cung cấp các dịch vụ giải pháp, công nghệ trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin phục vụ các cơ quan trong quản lý, điều hành.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Lamdong.gov.vn 

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt khẳng định đây là đề án lớn, quan trọng của địa phương, vì vậy đối với 9 lĩnh vực cụ thể (Chính quyền điện tử, Nông nghiệp, Du lịch, Môi trường, An ninh an toàn, Quy hoạch đô thị, Giáo dục, Y tế, Giao thông) các bên liên quan cần rà soát cụ thể, chi tiết để hoàn thiện Đề án trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin ý kiến trong thời gian tới.

Các chương trình, nội dung xây dựng thành phố thông minh phải đảm bảo tính kế thừa và phát huy tối đa những kết quả đã đạt được từ các dự án đã triển khai về ứng dụng, phát triển CNTT và truyền thông của tỉnh, đặc biệt các hệ thống phần mềm dùng chung.

Chú trọng việc thuê ngoài hoặc xã hội hóa các phần việc trong quá trình triển khai xây dựng. Đồng chí cũng nhấn mạnh,  việc triển khai xây dựng Đề án cần có lộ trình cụ thể, chi tiết qua đó tạo lập những nền tảng cơ bản xây dựng chính phủ điện tử để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, đến nay, Tập đoàn đã cơ bản hoàn thiện Đề án Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành đô thị thông minh. Cụ thể, trong giai đoạn 2017 – 2020, Đề án sẽ tập trung vào các nhóm lĩnh vực ưu tiên và giải pháp cụ thể như: Nhóm giải pháp ưu tiên chính quyền số; nhóm giải pháp ưu tiên nông nghiệp, xây dựng du lịch thông minh, thành phố an toàn; nhóm giải pháp ưu tiên về môi trường, quy hoạch đô thị, giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh.

Trong đó, nhóm giải pháp ưu tiên chính quyền số sẽ được thực hiện từ năm 2017 cho đến quý II/2018, thí điểm tại UBND tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt. Tương tự, nhóm giải pháp ưu tiên nông nghiệp cũng bắt đầu được triển khai từ năm 2017 với các tiểu dự án như quản lý chuỗi giá trị phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản, xây dựng tổng đài tin nhắn nông nghiệp, phần mềm thông tin thị trường nông sản.

Đối với ngành du lịch, Đề án ưu tiên thực hiện tiểu dự án xây dựng cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh từ tháng 9/2017. Tiếp đó, quý I/2018 sẽ xây dựng bản đồ du lịch thông minh, hệ thống wifi quảng bá du lịch để cung cấp cho người dân và du khách tại khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt, sân bay và các bến xe…

Lâm Đồng

 

Hà Nội cần xây dựng hệ thống quản lý đô thị thông minh(VietQ.vn) - TP Hà Nội cần nhanh chóng xây dựng được một hệ thống quản lý đô thị, giao thông thông minh.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang