Đứng vững giữa vòng xoáy Covid-19 nhờ xuất khẩu trực tuyến

author 06:45 29/09/2021

(VietQ.vn) - Việc chuyển từ hình thức xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu trên các nền tảng kỹ thuật số, sàn thương mại điện tử không còn là sự lựa chọn, mà là xu thế bắt buộc giúp các doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong tình hình mới.

Đại dịch Covid-19 đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động giao thương toàn cầu. Vì thế, việc chuyển từ hình thức xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu trên các nền tảng kỹ thuật số, các sàn thương mại điện tử không còn là sự lựa chọn, mà là xu thế bắt buộc giúp các doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong tình hình mới.

Doanh nghiệp đứng vững giữa vòng xoáy Covid-19 nhờ xuất khẩu trực tuyến. Ảnh minh họa. 

Nhiều doanh nghiệp nhờ nắm bắt cơ hội xuất khẩu trên môi trường thương mại điện tử mà dù có nằm trong vòng xoáy của Covid-19 vẫn trụ vững và phát triển. Bà Hoàng Thị Hương, đại diện Công ty nhựa Anh Tú chia sẻ: “Chúng tôi vẫn bán được hàng và giao tiếp với rất nhiều khách hàng trên thế giới, bởi vì chúng tôi đã tham gia vào thương mại điện tử. Việc trải qua đại dịch Covid-19 cũng không quá khó khăn, thậm chí chúng tôi có thêm nhiều khách hàng hơn”.

Cũng là doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử từ năm 2019, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ DSW vẫn đang tiếp tục mở rộng thị trường, tìm kiếm bạn hàng thông qua internet. Đại diện Công ty DSW cho biết: “Năm 2019 do mới tham gia vào thương mại điện tử nên doanh nghiệp chưa có nhiều doanh thu. Năm 2020 bắt đầu có doanh thu ổn định đối với 2 thị trường Nhật Bản và Trung Quốc. Mỗi tháng chúng tôi đều xuất đi 2 khoảng 4 container. Đến năm 2021, nhờ thương mại điện tử chúng tôi có được những thị trường mới như Hàn Quốc, EU và một số nước tại châu Phi”.

 
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Đây là một lợi thế để đẩy mạnh xuất nhập khẩu và thúc đẩy quá trình số hóa doanh nghiệp.
 

Đây là 2 trong số rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xuất khẩu hàng hóa trực tuyến. Ông Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính chia sẻ: “Thông qua các hình ảnh được bạn hàng chấp nhận hoặc giới thiệu, từ đó doanh nghiệp có thể ký kết các hợp đồng xuất nhập khẩu. Sau đó mới triển khai quá trình hậu kiểm bằng các văn bản ký kết chữ ký tươi.

Như vậy, thời gian sẽ được rút ngắn, chi phí sẽ giảm đi rất nhiều; đồng thời có thể mở rộng thị trường với nhiều khách hàng, quốc gia trên thế giới một cách nhanh chóng, dễ dàng”.

Có thể nói, xuất khẩu trực tuyến đang trở thành hướng đi tất yếu phát huy hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì rào cản về ngôn ngữ, trình độ công nghệ, hiểu biết pháp lý và cả sức ỳ về tư duy nên chưa tiếp cận với phương thức xuất khẩu hữu hiệu này.

Bởi để tiếp cận, giao dịch với khách hàng quốc tế, cần phải giỏi tiếng Anh, có kiến thức về thương mại quốc tế và thương mại điện tử, thông thạo nghiệp vụ xuất nhập khẩu hàng hóa… Hơn nữa, các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp cần can đảm để thay đổi. Sự can đảm bước ra khỏi vùng an toàn bấy lâu nay thường làm, để kinh doanh và nắm bắt cơ hội theo xu hướng thương mại toàn cầu.

Về phía Bộ Công thương cũng cho biết, Bộ sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng thành công trên các sàn thương mại điện tử quốc tế. Đây là hướng phát triển hiệu quả, phù hợp không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay mà còn cả trong tương lai.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang