Doanh nghiệp được 'trăm cái lợi' từ Cơ chế một cửa quốc gia

author 11:30 02/03/2018

(VietQ.vn) - Nhờ hệ thống Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), doanh nghiệp giảm thiểu thời gian và chi phí trong việc hoàn tất các thủ tục thông quan xuất nhập khẩu.

971.000 hồ sơ được xử lý 

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan - Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia Cơ chế một cửa ASEAN, NSW và tạo thuận lợi thương mại, cập nhật đến 22/2/2018, ngoài thủ tục thông quan hàng hóa (Bộ Tài chính), có 47 thủ tục của 10 bộ, ngành đã được đưa lên NSW. Đến thời điểm trên, tổng số hồ sơ được xử lý qua NSW là hơn 971.000 bộ, của hơn 19.200 doanh nghiệp. Riêng thủ tục thông quan hàng hóa, năm 2017, Hệ thống thông quan tự động của ngành Hải quan đã tiếp nhận 11,31 triệu tờ khai hải quan.

Để mở rộng và nâng cao hiệu quả thực hiện NSW, thời gian tới, Tổng cục Hải quan tiếp tục đôn đốc các cục hải quan địa phương và đề nghị Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam triển khai có hiệu quả Cơ chế một của quốc gia đường hàng không theo Quyết định số 43/2017/QĐ-TTg ngày 26/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan phối hợp với các bộ, ngành liên quan mở rộng NSW tại cảng biển phù hợp với quy định tại Nghị định 58/2017/NĐCP. Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng ký thống nhất Kế hoạch triển khai mở rộng Cơ chế một của quốc gia cho tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh cho các cảng biển trên toàn quốc; Quy trình nghiệp vụ và Bộ chỉ tiêu thông tin, chuẩn thông điệp dữ liệu.

Đối với thực hiện Cơ chế một của ASEAN, từ ngày 1/1/2018,Việt Nam đã trao đổi chính thức thông tin e-C/O form D với 4 nước ASEAN (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan). Về cơ sở pháp lý, Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu giải trình ý kiến tham gia của các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo Nghị định NSW, Cơ chế một của ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Trước đó, tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại, cơ quan này đã đặt mục tiêu trong năm 2018 sẽ chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN. Ủy ban cũng phấn đấu năm 2018 triển khai đủ 130 thủ tục hành chính theo đúng Kế hoạch đã đề ra tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung các thủ tục mới vào Kế hoạch.

Phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Hồ sơ của gần 20.000 doanh nghiệp được xử lý qua Cơ chế một cửa quốc gia. Ảnh: Tạp chí Tài chính 

Để đạt được mục tiêu trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và đơn vị liên quan, xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin phục vụ Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN đảm bảo tính kết nối, tính hệ thống, an ninh, an toàn về thông tin và cơ sở dữ liệu; xây dựng phương án đầu tư hệ thống dự phòng cho Cổng Thông tin một cửa quốc gia. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính đảm bảo tính sẵn sàng của Cổng thông tin một cửa quốc gia phục vụ triển khai chính thức Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không.

Doanh nghiệp lợi đủ đường

Theo đánh giá từ Tổng cục Hải quan, khởi động từ năm 2011 đến nay theo Quyết định 48/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia (NSW), cơ chế này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian và chi phí trong việc hoàn tất các thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, mà còn giúp cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh của cơ quan quản lí Nhà nước. Đồng thời là tiền đề quan trọng để Việt Nam kết nối hội nhập quốc tế thông qua Cơ chế một cửa ASEAN (ASW).

Nói về vấn đề này, ông Phạm Duyên Phương, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan cho biết, khi triển khai Cơ chế sẽ mang lại những hiệu quả to lớn trong cải cách hành chính, cũng như những lợi ích cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người dân. Thông qua Cơ chế này doanh nghiệp không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính, do đó giảm được chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan. Từ đó, xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Trải qua gần 3 năm triển khai, ông Nguyễn Kiên Giang, Cục phó Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, hiện việc làm thủ tục cho tầu xuất nhập cảnh đã đi vào ổn định và phát huy được hiệu quả. Nếu như trước đây doanh nghiệp khi có tầu xuất cảnh hay nhập cảnh thì phải chuẩn bị 5 bộ hồ sơ cho 5 cơ quan quản lý chuyên ngành nhưng hiện nay không phải xuất trình hồ sơ giấy mà toàn bộ thông qua hệ thống mạng.

Bên cạnh đó, thay vì mất rất nhiều thời gian để làm thủ tục tầu xuất nhập cảnh xong thì mới được bốc dỡ hàng hóa lên bờ thì hiện nay, các chủ tầu có thể khai báo trước và cơ quan hải quan, các cơ quan quản lý có thể đưa ra chỉ lệnh trước khi tầu đến để khi tầu đến có thể làm hàng được ngay. Cơ chế này còn tạo điều kiện đáng kể cho việc làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Hải quan, với vai trò nỗ lực của Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại, cộng với sự vào cuộc của các bộ, ngành, việc triển khai NSW năm 2017 có những chuyển biến nhất định.

Đến ngày 15/12/2017, có 11 bộ, ngành đã triển khai 47 thủ tục trên NSW, tăng 8 thủ tục so với năm 2016. Tổng số hồ sơ được xử lý tính từ khi triển khai là 790.708 hồ sơ, của 19.977 doanh nghiệp. Riêng trong năm 2017 (tính đến 15/12), đã có 554.505 hồ sơ được xử lý, tăng 272% so với cùng kỳ năm 2016.

Mặc dù số lượng thủ tục kết nối trong năm 2017 chưa nhiều nhưng lượng hồ sơ tăng mạnh do từ năm 2017 trở về trước các bộ, ngành đã tập trung cho việc kết nối của những thủ tục có nhiều hồ sơ, doanh nghiệp thực hiện.

 

Hán Hiển

Kết nối Cơ chế một cửa ASEAN: Công cụ giúp cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành(VietQ.vn) - Cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%... đó là những vấn đề được quan tâm nhất khi năm 2018 Việt Nam chính thức kết nối cơ chế một cửa ASEAN.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang