Doanh nghiệp ‘ngóng’ gói phục hồi kinh tế đủ mạnh giai đoạn 2022 - 2023

author 06:40 07/11/2021

(VietQ.vn) - “Sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp vì vậy suy giảm rất nhiều, do đó hơn ai hết doanh nghiệp kỳ vọng và mong mỏi nhanh chóng có một "đòn bẩy" để giải cứu và giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kip thời.

 Doanh nghiệp cần gói hỗ trợ kích cầu đủ mạnh để phục hồi "sức khỏe" giai đoạn 2022-2023

Trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính, ngân sách trình Quốc hội, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng cần thiết triển khai gói kích thích, phục hồi kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh GDP quý III giảm mạnh.

Có thể nói, sau đợt dịch Covid -19 lần thứ 4 vừa qua, “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp vì vậy suy giảm rất nhiều, do đó hơn ai hết doanh nghiệp kỳ vọng và mong mỏi nhanh chóng có một "đòn bẩy" để giải cứu và giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kip thời.

Do đó, chương trình hỗ trợ tài chính của Chính phủ là rất cần thiết và sát thực tế để doanh nghiệp tiếp cận một cách dễ dàng và đơn giản. Có như thế, việc triển khai gói kích thích kinh tế mới thực sự mang lại hiệu quả cho người lao động, doanh nghiệp và nền kinh tế.

TS.Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, hiện kinh tế đã suy yếu khá trầm trọng và sẽ còn tiếp tục yếu hơn, muốn cho khu vực thị trường "sống trở lại", cần nhanh chóng đẩy mạnh nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế.

Ông Thiên cho biết thêm, không có chương trình hỗ trợ phục hồi kịp thời, nền kinh tế không chỉ không đứng dậy được, mà những thành quả đã tích cóp được trong những năm qua cũng suy giảm nghiêm trọng. Hơn thế nữa, chúng ta mất đi thời cơ lịch sử để thay đổi và đuổi kịp thế giới.

Được biết, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang trình các cơ quan chức năng chương trình khôi phục kinh tế, trong đó có đề xuất về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cho giai đoạn 2 năm 2022 - 2023.

Đến thời điểm hiện nay, chưa có con số cụ thể về quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế này, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia chắc chắn sẽ lớn hơn hoặc tương đương tổng mức đầu tư công hàng năm đang thực hiện. Thậm chí một số chuyên gia khác cho biết quy mô có thể tới 800.000 tỷ đồng (tức 35 tỷ USD).

Thừa nhận tính cấp thiết của gói hỗ trợ này, TS.Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia lưu ý, việc đưa ra quy mô gói hỗ trợ này phải được tính toán thận trọng và khoa học.

Thực tế, rất nhiều chính sách đưa ra trong thời gian qua chưa hiệu quả, vì vậy theo TS.Cấn Văn Lực, việc thiết kế chính sách sát với thực tế là rất quan trọng.

Vậy tiền ở đâu cho gói kích thích kinh tế? Theo ông Lực, chẳng hạn, Chính phủ nhanh thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, hàng năm nếu làm tốt khâu này đã thu về khoảng 40.000 tỷ đồng; Cùng với việc cải cách mạnh mẽ thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là tháo gỡ vướng mắc để các dự án đầu tư đang bị chậm tiến độ được giải toả. Ngoài ra, còn có các nguồn khác như quỹ ngoài ngân sách; nguồn lực của khối tư nhân hay phát hành trái phiếu Chính phủ. Cuối cùng, có thể là các nguồn đi vay các định chế tài chính phát triển quốc tế.

 An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang