Hoạt động sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi

author 10:47 04/11/2021

(VietQ.vn) - Trong tháng 10/2021, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều địa phương, nhất là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã có chuyển biến tích cực. Cả nước đang tập trung thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Do vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp đang có dấu hiệu phục hồi.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Trong 10 tháng năm 2021, kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến rất nhanh, phức tạp và khó lường, yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen. Sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid - 19 với các biến chủng mới khó kiểm soát, có khả năng tác động lâu dài đến nền kinh tế thế giới.

Ở trong nước, đợt dịch Covid -19 bùng phát trở lại vào cuối tháng Tư đến nay đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đến phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn quan trọng, có đóng góp lớn đối với nền kinh tế; một số khu công nghiệp, nơi tập trung lượng lớn lao động, có các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh, thành phía Nam… bị tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng lớn tới các chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất, xuất khẩu; trong khi đó, giá một số mặt hàng nguyên vật liệu tăng cao, cước phí vận chuyển quốc tế tăng mạnh; các thị trường xuất khẩu sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu... đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Để thực hiện mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, Chính phủ đã thực hiện chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Đến nay, cả nước đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP nhằm phục hồi phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 10/2021 đã dần hồi phục  

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là tại các tỉnh phía Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện phương án “3 tại chỗ” vì phải tổ chức thay đổi người lao động do thời gian kéo dài giãn cách xã hội, người lao động không tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp dẫn đến lực lượng lao động giảm.

Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc nhập nguyên vật liệu đầu vào và vận chuyển hàng hóa dẫn đến giảm sản lượng sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chi trả các chi phí phát sinh phòng chống dịch (như chi phí xét nghiệm Covid-19 cho công nhân, chi phí mua sắm các trang thiết bị phòng dịch, thực hiện 3 tại chỗ...). Những khó khăn trên đã dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp chọn phương án tạm ngưng hoạt động.

Trong tháng 10, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều địa phương nhất là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã có những chuyển biến tích cực. Do vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10 đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ khi chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2021 tăng 6,9% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm nhẹ (giảm 1,6%) so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp 2 tháng cuối năm sẽ tăng trưởng cao

Bộ Công Thương cho biết, trong 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 2,7% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,5% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,2%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,2%)...

Chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất kim loại tăng 25,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 12,5%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,5%;

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm sâu so với cùng kỳ năm trước, như: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 13,3%; Công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 11,9%; Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 8,8%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 1,1%.

Theo Bộ Công Thương, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 10 đã dần hồi phục nhưng tính chung 10 tháng năm 2021 vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Vẫn còn một số địa phương tổ chức các biện pháp phòng chống dịch cao hơn quy định Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế; Một số tỉnh như: Hà Nội, Tiền Giang, Cà Mau... chậm ban hành các hướng dẫn đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc dần hồi phục các hoạt động sản xuất, đặc biệt là các khó khăn về lao động.

Việc xử lý, tháo gỡ, khôi phục sản xuất tại một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, hoạt động của doanh nghiệp đình trệ tác động đến phát triển sản xuất nói riêng và tăng trưởng nền kinh tế nói chung.

Từ tháng 11/2021, nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan, các biện pháp hỗ trợ, khôi phục nền kinh tế được triển khai đồng bộ, khả năng sản xuất công nghiệp trong 02 tháng cuối năm sẽ có sự tăng trưởng cao hơn- Bộ Công Thương cho hay.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang