Động đất tại thủy điện là hiếm thấy

author 06:21 07/09/2012

(VietQ.vn) - Theo TS Lê Huy Minh - Phó viện trưởng Viện vật lý địa cầu, Giám đốc trung tâm báo động tin động đất và cảnh báo sóng thần, hiện tượng động đất ở thủy điện sông tranh 2 những ngày qua là hiếm thấy, bởi sau khi tích nước vào hồ thủy điện, động đất diễn ra nhiều hơn.

Theo ông đâu là nguyên nhân chính dẫn đến động đất liên tục những ngày qua tại Quảng Nam, nơi có đập thủy điện Sông Tranh 2 đang hoạt động?

Kể từ khi thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST 2) đi vào hoạt động, ban đầu có xuất hiện động đất và được nhận định là những trận động đất kích thích. Tại sao gọi là động đất kích thích? Bởi vì khu vực làm đập thủy điện tồn tại đới đứt gãy hoạt động. Trên đới đứt gãy đó, nếu hiện tại chưa có động đất, chắc chắn trong tương lai cũng sẽ xảy ra.

Theo TS Minh, Viện Vật lý Địa cầu có một hệ thống các trạm địa trấn thời gian thực nhưng hiện tại, các trạm đó không nhiều mà thường dựa vào số liệu từ quốc tế. Với các trận động đất lớn, động đất kiến tạo, sóng địa trấn xa, tác động tới nhiều trạm, việc xác định động đất sẽ dễ ràng hơn. Với những trận động đất nhỏ diễn ra tại khu vực TĐST 2, số liệu vẫn chưa thực sự đầy đủ.  Thời gian tới, Viện Vật lý Địa cầu sẽ xây dựng một hệ thống các trạm cảnh báo động đất và sóng thần trải rộng với khoảng 30 trạm, phân bố khắp cả nước. Đề án này có thể tới 2015 mới hoàn thành được. Còn riêng với TĐST 2, để có thể đánh giá được đầy đủ hơn về những trận động đất diễn ra cần phải có 5 trạm đo trong vòng 40 km2.
Theo TS Lê Huy Minh, Viện Vật lý Địa cầu có một hệ thống các trạm địa trấn thời gian thực nhưng hiện tại, các trạm đó không nhiều mà thường dựa vào số liệu từ quốc tế. Với các trận động đất lớn, động đất kiến tạo, sóng địa trấn xa, tác động tới nhiều trạm, việc xác định động đất sẽ dễ ràng hơn. Với những trận động đất nhỏ diễn ra tại khu vực TĐST 2, số liệu vẫn chưa thực sự đầy đủ. Thời gian tới, Viện Vật lý Địa cầu sẽ xây dựng một hệ thống các trạm cảnh báo động đất và sóng thần trải rộng với khoảng 30 trạm, phân bố khắp cả nước. Đề án này có thể tới 2015 mới hoàn thành được. Còn riêng với TĐST 2, để có thể đánh giá được đầy đủ hơn về những trận động đất diễn ra cần phải có 5 trạm đo trong vòng 40 km2.

Một nguyên nhân nữa có thể là do khi tích nước vào lòng hồ, lượng nước thấm theo các đới đứt gãy làm giảm độ bền cắt của đất đá, lúc đó có thể diễn ra tình trạng giải phóng năng lượng và động đất diễn ra.

Trong quá trình theo dõi, xem xét phân bố trấn tiêu đất qua các năm, phân bố không chỉ khu vực lòng hồ thủy điện mà còn ở những điểm khác ngoài hồ cho thấy, hai khả năng nêu trên rất có thể xảy ra.

Ngoài ra, trong khái niệm động đất có liên quan đến hồ chứa của thủy điện còn có nguyên nhân khác từ động đất kéo theo. Nguyên nhân này xuất phát từ việc: trong quá trình tích nước vào lòng hồ sẽ dẫn đến áp lực nước tới đáy hồ. Trong trường hợp dưới lòng đất của đáy hồ có các hang caster, khi bị nén sẽ gây sụp đổ và động đất có thể diễn ra. Với dạng động đất này, thường diễn ra ở quy mô nhỏ.

Trong các nguyên nhân như nói trên, động đất gây ra do đới đứt gãy hoạt động là rất khó lường và không thể theo dõi được.

Nghĩa là thủy điện càng nhiều thì càng có nguy cơ dẫn đến động đất cao, thưa ông?

Về điều này, với những đới đứt gãy hoạt động mạnh, động đất sẽ diễn ra thường xuyên. Cụ thể, tại các vành đai Thái Bình Dương – những điểm đó động đất diễn ra rất thường xuyên bởi sự dịch chuyển của vỏ trái đất tại các điểm đó lớn. Còn với những đới đứt gãy nằm ở nội mảng như ở Việt Nam, sự dịch chuyển diễn ra không lớn và không thường xuyên nên động đất ít diễn ra.

Ở nước ta, những đới đứt gãy khác hoạt động mạnh thường thấy tại Điện Biên, Lai Châu hay ở Sông Mã (Thanh Hóa); ngoài khơi khu vực Vũng Tàu, Phan Thiết... đới đứt gãy hoạt động mạnh, động đất cũng thường xuyên diễn ra.

Tại Tà Vi và Trà My (Quảng Nam) - khu vực TĐST 2 trước đây đã từng có lần động đất, tuy nhiên cường độ nhỏ và không nhiều. Chỉ từ khi hồ TĐST 2 hình thành, gần như tần xuất động đất ngày càng lớn lên.

Từ đó cho thấy, các nguyên nhân gây động đất ở Quảng Nam xuất phát từ nhiều yếu tố. Không thể loại bỏ yếu tố từ đới đứt gãy với chế độ kiến tạo hoạt động mà không phải là đứng im và từ sự ảnh hưởng của thủy điện gây nên.

Động đất diễn ra ở Quảng Nam mỗi ngày một nhiều và độ rung chấn ngày sau luôn lớn hơn ngày trước. Viện có khuyến cáo gì với người dân sống ở khu vực này?

Khó có thể đưa ra được các dự báo về động đất nói chung. Tại các nước hiện đại, tiên tiến trên thế giới cũng gặp rất nhiều khó khăn về dự báo động đất có thể diễn ra.

Tại khu vực TĐST 2, vào tháng 11/2011 có hai trận động đất diễn ra với 3,4 độ richter. Hai trận động đất này được đánh giá là lớn nhất và theo dự đoán của các chuyên gia là nó sẽ giảm đi. Tuy nhiên, đến tháng 3/2012 tại khu vực nói trên lại xuất hiện thêm trận động đất. Đặc biệt, liên tiếp từ mồng 3/9 đến nay đã có tới 9 trận động đất lớn nhỏ khác nhau. Trận lớn nhất diễn ra vào ngày 3/9/2012 với cường độ 4,2 độ richter.

Dưới góc độ chuyên môn, chế độ động đất đó chưa đạt đến mức suy giảm mà cường độ ngày càng mạnh lên, số lượng ngày càng nhiều hơn. Chắc chắn thời gian tới, động đất sẽ còn tiếp tục diễn ra chứ chưa thể ngưng ngay được.

Tuy nhiên, nếu nguyên nhân động đất bắt nguồn từ tích nước hồ chứa của thủy điện, thì chỉ trong một vài năm dạng động đất như vậy sẽ hết. Nhưng nếu do đới đứt gãy hoạt động và chế độ kiến tạo phức tạp, chắc chắn sẽ rất khó để dự đoán.

Với người dân, khi sống trong khu vực hồ thủy điện và khu vực động đất diễn ra nhiều, cần phải làm quen với những gì đang diễn ra. Đặc biệt, cần phải có các ứng xử hợp lý, để trong trường hợp có động đất, có thể đón bắt và tránh các thiệt hại đáng tiếc.

Chúng ta nên làm gì tại thời điểm hiện tại để tránh việc các khe nứt thủy điện Sông Tranh 2 có thể nới rộng ra do ảnh hưởng từ các trận động đất?

Động đất cực đại khi Viện Vật lý Địa cầu kiến nghị với chủ đầu tư khi xây dựng TĐST 2, các kháng chấn với đập thủy điện ở mức 5,5 độ richter, tạo nên dung động cực đại chịu đựng được ở mức cấp 8. Cho đến nay, động đất diễn ra trên khu vực thủy điện vẫn chưa đến mức 5,5 độ richter. Nếu đập TĐST 2 được thiết kế đúng như tính toán, có thể chống được động đất ở mức 5,5 độ richter thì các dung động thời gian qua diễn ra sẽ chưa ảnh hưởng gì tới đập.

Thế nhưng, đập thủy điện đó được xây dựng với công nghệ bê tông đầm lăn, có các khe nhiệt và thời gian qua đã có hiện tượng các khe nhiệt đó giãn ra bất thường, khiến lượng nước chảy qua khe nhiệt lớn hơn mức bình thường. Mặc dù hiện tượng đó được chủ đầu tư khắc phục nhưng bản thân các khe nhiệt đó vẫn tồn tại như theo thiết kế. Việc động đất có tác động tới các khe nhiệt đó hay không là vấn đề cần xem xét, theo dõi nghiêm túc và liên tục hơn.

Theo thiết kế ban đầu, đập TĐST 2 phải có 600 đầu đo để quan sát các hiện trạng của đập theo thời gian. Vào tháng 4/2012, khi một đoàn công tác tới thực tế tại đập nói trên, còn rất nhiều đầu đo của đập thủy điện vẫn chưa đi vào hoạt động. Với những gì đang diễn ra, cần thiết phải gấp rút đưa các đầu đo đi vào hoạt động, theo dõi các tham số, trạng thái của đập thủy điện theo thời gian.

Khi động đất tần suất mạnh hơn, khe nhiệt giãn nở hơn, mối tương quan giữa động đất và các trạng thái diễn ra tại đập được tổng hợp... mới có thể đánh giá được tác động của động đất tới thủy điện như thế nào.

Vậy còn các dự án thủy điện khác thì sao thưa ông?

Với các thủy điện lớn như Hòa Bình và đặc biệt là thủy điện Sơn La được xây dựng và đưa vào vận hành, từ trước khi tích nước, Bộ Khoa học và Công nghệ đã kiến nghị với Viện Vật lý địa cầu đặt các trạm quan sát động đất để theo dõi các động đất có thể diễn ra theo thời gian từ trước, trong và sau tích nước...như thế nào. Các phương án đưa ra là khi tích nước lần 1, lần 2 và các lần tiếp theo có động đất, có ra tăng hay không và như thế nào tại các thủy điện.

Điều đó tại các thủy điện lới vẫn được coi trọng. Với các thủy điện nhỏ hơn, từ trước tới nay chưa có sự quan tâm, đặt các thiết bị theo dõi động đất. Điều này có nguyên nhân là do các trận động đất diễn ra đều có quy mô và tác động nhỏ. Riêng với trường hợp của TĐST 2 là ít thấy từ trước tới nay bởi sau khi tích nước vào hồ thủy điện, động đất diễn ra nhiều hơn. Đây là một trường hợp điển hình và cần có sự nghiên cứu chi tiết. Chỉ có số liệu chính xác, khoa học về tình hình động đất, các tham số theo dõi về tình hình của đập theo thời gian mới có thể đánh giá được đầy đủ, trên cơ sở đó mới có các kiến nghị để vận hành đập thủy điện an toàn.

Xin cảm ơn ông!

Nếu thủy điện không an toàn sẽ dừng dự án

Trả lời tại phiên chất vấn quốc hội vừa qua, Bộ trưởng  Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, khi xảy hiện tượng thấm nước, phương pháp khắc phục là dán các khe nhiệt (khe hở) trong công nghệ bê tông đâm lăn để khi co ngót thân đập không bị ảnh hưởng.

Ông Hoàng cho rằng, đến giờ phút này chưa có cơ sở để nói thủy điện sông Tranh 2 không an toàn.Trách nhiệm của Bộ là phải đảm bảo công trình tuyệt đối an toàn bằng mọi biện pháp, nếu phát hiện không an toàn thì kiên quyết dừng.

Động đất liên tục

Theo thống kê, từ ngày 3 - 6/9/2012, tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 đã diễn ra tới 10 trận động đất lớn nhỏ khác nhau.

Cụ thể vào ngày 3/9 có tới 6 trận động đất vào các thời điểm: 2 giờ 56 phút, 19 giờ 33 phút, 20 giờ 46 phút (trận này lớn nhất, 4,2 độ richter), 20 giờ 54 phút, 21 giờ 55 phút, 22 giờ 20 phút.

Ngày 4/9 có 2 trận diễn ra vào lúc 4 giờ 24 phút và 7 giờ 50 phút.

Ngày 5/9 có một trận lúc 9 giờ 10 phút.

Ngày 6/9 diễn ra một trận lúc 7 giờ 17 phút.

EVN khẳng định rung chấn không ảnh hưởng thủy điện

Ngay sau khi xảy ra các đợt rung chấn ở Quảng Nam, EVN đã kiểm tra các hạng mục công trình của Thủy điện Sông Tranh 2 và nhận định các đợt rung chấn vừa qua không gây ảnh hưởng đến công trình. Đập Thủy điện Sông Tranh 2 đã được thiết kế cường độ kháng nén lớn bảo đảm an toàn khi có động đất tới 5,5 độ Richter.

Báo cáo Thủ tướng

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư báo cáo lại tình hình động đất liên tục xảy ra tại huyện Bắc Trà My trong những ngày vừa qua. UBND tỉnh cũng đề xuất khẩn trương cho lắp đặt hệ thống quan trắc động đất tại khu vực huyện Bắc Trà My để cảnh báo động đất kịp thời, bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân địa phương. Mặt khác, tỉnh cũng đề nghị T.Ư sớm lập đoàn kiểm tra vào huyện Bắc Trà My, để khảo sát tình hình động đất cũng như vấn đề liên quan đến an toàn đập Thủy điện Sông Tranh 2.
 

Nguyễn Nam (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang