Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt mọi khó khăn

author 06:44 12/08/2021

(VietQ.vn) - Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, không chỉ có các gói hỗ trợ về chính sách tài khoá, tiền tệ, Chính phủ còn nhiều chính sách khác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Chính phủ yêu cầu giảm tiền điện, nước sạch và cước viễn thông cho người dân và doanh nghiệp là rất đáng hoan nghênh.

Nhiều chính sách hỗ trợ tích cực

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực hết sức để có thể đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Tài chính  đang xây dựng dự thảo Nghị quyết hỗ trợ về chính sách thuế nhằm thực hiện 4 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Đó là, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức như đã áp dụng cho năm 2020; giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành, nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế; giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020. 

Chính phủ đã nỗ lực hết sức để có thể đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Ảnh minh họa. 

Đồng thời, ngành ngân hàng cũng được xem là kênh hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương vào cuộc ngay khi dịch bùng phát, kịp thời ban hành Thông tư 01, sau đó là Thông tư 03 tái cơ cấu, giãn hoãn các khoản vay dư nợ và lãi vay đến hạn, giảm lãi suất, phí, cùng nhiều cơ chế chính sách khác.

Đánh giá các giải pháp hỗ trợ từ phía ngân hàng, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các ngân hàng thương mại cố gắng giảm lãi suất là sự chia sẻ đáng ghi nhận, đặc biệt nguồn hỗ trợ này là từ nguồn lực của chính các ngân hàng với ước tính mỗi ngân hàng tham gia lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng cho biết, số doanh nghiệp thật sự tiếp cận được lãi suất giảm còn ít so với kỳ vọng, doanh nghiệp vẫn còn “kêu nhiều”, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ vì khó tiếp cận vốn vay ưu đãi. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng cần nỗ lực hơn nữa trong việc đồng hành, chia sẻ khó khăn.

“Bản thân các ngân hàng cũng phải hoạt động kinh doanh như một doanh nghiệp (kinh doanh tiền tệ). Do đó, việc mở rộng tín dụng, nới "room" cho vay trong bối cảnh hiện nay cũng đòi hỏi phải đi đôi với chất lượng tín dụng, nên dư địa về chính sách tiền tệ, hạ lãi suất điều hành, tạo điều kiện để hạ tiếp lãi vay cũng không còn nhiều”, ông Vũ Tiến Lộc nhận định.

Cần thêm "gói hỗ trợ" về thể chế

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cho rằng, thời gian qua, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, không chỉ có các gói hỗ trợ về chính sách tài khoá, tiền tệ, Chính phủ còn nhiều chính sách khác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Chính phủ yêu cầu giảm tiền điện, nước sạch và cước viễn thông cho người dân và doanh nghiệp là rất đáng hoan nghênh.

Nhưng các doanh nghiệp hiểu rằng, với ngân sách hạn hẹp hiện nay, dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ không còn nhiều để bảo đảm giữ các cân đối lớn của nền kinh tế. Không thể kỳ vọng Việt Nam có thể so sánh với các nước giàu với ngân sách dồi dào, sẵn sàng bơm hàng nghìn tỷ USD khôi phục kinh tế. Như vậy, giải pháp tháo gỡ hiện nay là cải cách thể chế, đây chính là "gói hỗ trợ" còn dư địa lớn nhất với nhiều kỳ vọng từ các doanh nghiệp.

"Cộng đồng doanh nghiệp thấy rõ quyết tâm của Chính phủ là phòng, chống dịch hiệu quả đi đôi với nỗ lực duy trì tăng trưởng, phấn đấu thực hiện “mục tiêu kép”. Tuy nhiên, để thực hiện "mục tiêu kép" thì cần “thước đo kép”, mà đáng tiếc, điều này chưa được các địa phương quan tâm thực hiện đúng mức.

Trong thời gian dịch bùng phát vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp chứng kiến không ít địa phương áp dụng các chỉ thị chống dịch khá máy móc, không thống nhất, dẫn đến việc doanh nghiệp gặp không ít phiền toái, tăng gánh nặng chi phí và đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng", Chủ tịch VCCI nói.

Các doanh nghiệp đồng tình với quan điểm của Chính phủ, đã đến lúc tái thiết kế các chính sách sống chung với dịch, mỗi chính sách đưa ra đều tích hợp giải pháp chống dịch đi đôi với cơ chế vận hành nền kinh tế, bảo đảm sinh kế cho người lao động, cũng như có thêm nguồn lực chống dịch.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang