Đồng Nai: Phát hiện 2 cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc

author 16:06 26/12/2022

(VietQ.vn) - Công an tỉnh Đồng Nai đã lập biên bản và tiếp tục điều tra về 2 cơ sở kinh doanh hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm trên địa bàn TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Vừa qua, Công an tỉnh Đồng Nai đang củng cố hồ sơ để xử lý 2 chủ cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn TP Biên Hòa do có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Trước đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Đội Quản lý thị trường số và các đơn vị liên quan kiểm tra cửa hàng Joli Store, số 109, khu phố 1, phường Tân Tiến, do bà Nguyễn Ngọc Tú làm chủ.

Tại đây, qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều mặt hàng có nguồn gốc nước ngoài như: nước hoa, nước tẩy trang, sữa rửa mặt, son, phấn, thực phẩm chức năng...nhưng không dán tem, nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định. Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của số hàng hóa trên.

Lực lượng chức năng niêm phong, tạm giữ lô hàng mỹ phẩm chưa rõ xuất xứ. 

Tiếp tục mở rộng kiểm tra 2 cửa hàng do Nguyễn Ngọc Tú và Nguyễn Mạnh Tuấn (anh trai Tú) làm chủ gồm: cửa hàng Joli House (đóng tại KP.2, P.Thống Nhất, TP. Biên Hòa) và Joli Beauty (KP.7, P.Hố Nai, TP.Biên Hòa), lực lượng kiểm tra liên ngành phát hiện nhiều mặt hàng mỹ phẩm tương tự như cửa hàng nói trên. Các mặt hàng này cũng không dán tem, nhãn phụ theo quy định.

Làm việc với cơ quan chức năng, bà Nguyễn Ngọc Tú thừa nhận, số mỹ phẩm trên là hàng “xách tay”, không có hóa đơn, chứng từ. Trước những dấu hiệu đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã lập biên bản tạm giữ 18 thùng mỹ phẩm có nguồn gốc nước ngoài (không dán tem, không dán nhãn phụ Tiếng Việt) tại các cửa hàng trên để tiếp tục xác minh, làm rõ, củng cố hồ sơ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trước tình trạng hàng hóa, mỹ phẩm kém chất lượng, làm giả dễ dàng thâm nhập vào thị trường, người tiêu dùng lại ham rẻ, mà không hề biết việc sử dụng mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc có thể gây ra nhiều rủi ro đến sức khỏe của người tiêu dùng, các bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, để có giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng thật, tác dụng nhanh, dễ lừa người dùng, các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm giả đã đưa vào những thành phần độc hại, bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thủy ngân, kẽm, cyanua.

Hậu quả, nhiều người sau khi sử dụng đã bị dị ứng, thậm chí đáng lẽ chữa sạm da, trẻ hóa da thì lại càng bị sạm nặng hơn. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân, trong đó nhiều bệnh lý do dùng mỹ phẩm giả. Điểm chung của các trường hợp sử dụng mỹ phẩm giả thường là mắc các triệu chứng viêm da tiếp xúc cấp tính, có dị ứng hoặc kích ứng. Việc điều trị, khắc dị ứng thường mất thời gian dài và tốn kém tiền bạc, chưa kể nếu không may bị nặng sẽ để lại hậu quả trên da suốt đời, thậm chí tử vong do nhiễm độc chì.

Theo điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:

Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa; Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa; Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp... 

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên. 

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 14 Điều này; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Như vậy, đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì pháp luật quy định hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền thấp nhất là 300.000 đồng và mức cao nhất là 100.000.000 đồng đối với cá nhân. Riêng đối với tổ chức sẽ phạt gấp đôi theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP.

Ngoài ra, tại khoản 14 Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như sau: Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang