Dự báo Việt Nam tăng trưởng kinh tế số mạnh nhất khu vực Đông Nam Á

author 11:35 17/01/2023

(VietQ.vn) - Google, Temasek và Bain & Company dự báo Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng kinh tế số mạnh nhất khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng được dự báo ở mức trung bình 31%/năm cho giai đoạn 2022-2025. Trong đó, thương mại điện tử tăng từ 5 tỷ USD năm 2019 lên 14 tỷ USD vào năm 2022 và dự báo có thể đạt 32 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng là 37%.

Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho thấy, tỷ trọng các doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng số đạt hơn 30%, vượt so với kế hoạch đặt ra là 30%. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP trong năm 2022 ước tính là hơn 14%, trong khi năm 2021 ước đạt hơn 12%; Số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 70 nghìn doanh nghiệp, tăng gần 6,2 nghìn doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỷ lệ 0,7 doanh nghiệp trên 1 nghìn dân.

Còn theo đánh giá của Trung tâm Năng lực Cạnh tranh Kỹ thuật số Châu Âu (ECDC) năm 2021, Việt Nam có mức độ tiến bộ lớn nhất về tư duy chuyển đổi số ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Cụ thể, Việt Nam đã tăng 339 điểm, đạt mức cải thiện cao nhất trong cả 2 nhóm chỉ số (chỉ số hệ sinh thái tăng 139 điểm và chỉ số tư duy tăng 200 điểm). Xếp thứ hai là Trung Quốc, với mức tăng 211 điểm, trong đó hệ sinh thái tăng 81 điểm và tư duy tăng 130 điểm. Hầu hết các nước cải thiện tốt mức độ tiến bộ về chuyển đổi số đều đặt ra những mục tiêu tham vọng và xây dựng các chương trình toàn diện để đạt được mục tiêu đó.

Ảnh minh hoạ

Liên quan tới những thuận lợi để phát triển nền kinh tế số, tại Việt Nam, thời gian qua, số lượng người mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm trung bình của mỗi người mua đã liên tục gia tăng. Số lượng người mua sắm trực tuyến tăng từ 30,3 triệu người lên 54,6 triệu người vào năm 2021, ước tính có thể đạt 57 - 60 triệu người năm 2022. Giá trị mua sắm trực tuyến trung bình của một người cũng tăng từ 160 đô la Mỹ vào năm 2015 lên 251 đô la Mỹ vào năm 2021 và ước tính đạt 260-285 đô la Mỹ năm 2022.

Báo cáo Chỉ số doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 và 2022 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã tiến hành khảo sát 6.582 doanh nghiệp cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp bán hàng trên các trang mạng xã hội có chiều hướng tăng dần, từ 28% năm 2015 lên 57% năm 2021. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử cũng tăng từ 13% năm 2015 lên 22% năm 2021.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm các kênh kinh doanh khác nhau, theo kịp với xu hướng trong nước và thế giới. Dù không phát triển mạnh như thị trường thương mại điện tử B2C, thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) cùng dần phổ biến hơn. Số doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng qua sàn thương mại điện tử tăng từ 13% năm 2018 lên 29% năm 2020. Hơn 88% doanh nghiệp được khảo sát xác nhận nhận đơn đặt hàng qua các ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động năm 2021 (so với 45% năm 2018).

Năm 2021, 18% doanh nghiệp có sử dụng website/ứng dụng thương mại điện tử phục vụ mục đích xuất nhập khẩu, trong đó nhóm doanh nghiệp lớn chiếm tỷ lệ cao hơn so với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (lần lượt là 32% và 17%). Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử và hóa đơn điện tử cũng tăng dần qua các năm.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang