Đuối nước khiến hơn 2.000 trẻ em tử vong, phòng tránh bằng cách nào?

author 06:41 04/06/2019

(VietQ.vn) - Thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em bị đuối nước, trở thành quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Nguyên nhân khiến hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai nạn đuối nước đã âm thầm cướp đi sinh mạng của 360.000 người mỗi năm trên toàn thế giới. Trong đó, 90% số trường hợp xảy ra ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, một nửa số trường hợp xảy ra ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.

Mỗi năm, theo thống kê, tại Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Con số này đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Tại Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước trẻ em năm 2019 được tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, giai đoạn 2010 -2015 trung bình mỗi năm có trên 3.000 thanh thiếu nhi tử vong do đuối nước, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi khoảng 2.200 em.

Con số này được giảm xuống là 1.995 em trong năm 2017 và 782 em của 42/63 tỉnh/thành trong 6 tháng đầu năm 2018. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị đuối nước là do trẻ chưa biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước; do thiếu sự quản lý, giám sát của người lớn đối với trẻ em khi sống trong môi trường không an toàn; do thiên tai bão lũ; do trẻ em chưa thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông đường thủy…

Mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Ảnh minh họa 

Nói thêm về nguyên nhân gây ra tình trạng nhiều trẻ em bị đuối nước, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho rằng, đầu tiên, phải nhắc tới là trách nhiệm các bậc cha mẹ, những người được giao trách nhiệm chăm sóc đã không thường xuyên giám sát, không hướng dẫn trẻ các kỹ năng chống đuối nước.

“Có nhiều trường hợp trẻ bị đuối nước do nguyên nhân quan trọng là bản thân trẻ em thiếu kỹ năng bơi, không biết bơi khi rơi vào tình trạng đuối nước. Việt Nam có khu vực đồng bằng sông Cửu long và đồng bằng sông Hồng là nơi có nhiều sông, hồ. Các em cần thiết được học bơi, có những kỹ năng phòng ngừa và xử lý khi có nguy cơ bị đuối nước”, ông Đặng Hoa Nam cho hay.

Cũng theo vị Cục trưởng Cục Trẻ em, nguyên nhân tiếp theo là môi trường sống trong gia đình, cộng đồng có nhiều nguy cơ mất an toàn, đòi hỏi sự giám sát và cảnh báo. Ví dụ ở sông, hồ phải có biển cảnh báo nguy hiểm về chỗ có nước xoáy, nước sâu. Trong môi trường gia đình, người lớn cần làm hàng rào ở ao, giếng phải có nắp đậy.

Mặt khác, các phương tiện giao thông của chúng ta chưa thực sự an toàn. Ví như một số khu vực, địa phương, khi đi qua sông, qua suối chưa hẳn chỗ nào cũng có cầu. Các phương tiện thuyền, phà không phải lúc nào cũng có phao. Trẻ ở miền núi, những vùng có nước lũ khi đi học vẫn phải lội qua sông, qua suối. Những trường hợp này dẫn tới tình trạng tử vong nhiều cho trẻ em cùng lúc.

Phòng tránh bằng cách nào?

Cũng tại sự kiện “Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước trẻ em năm 2019” vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết mặc dù đã có rất nhiều chỉ đạo và từ năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh nhưng đến nay mới chỉ có gần 1.000/50.000 trường học triển khai chương trình 100% học sinh biết bơi; khoảng 1.000/11.000 xã triển khai chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em. “Chúng ta phải thực sự làm nghiêm túc, trách nhiệm trước tính mạng của nhân dân, đặc biệt của trẻ em”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Cũng theo Phó Thủ tướng, chỉ việc biết bơi là chưa đủ mà mỗi người phải được trang bị kỹ năng ứng phó, xử lý để cứu người bị đuối nước. Cùng với đó, các cấp, các ngành cần làm tốt công tác cảnh báo tại những nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước như vực xoáy, sụt cát, nước sâu; hạn chế rủi ro thiên tai bằng các biện pháp như giữ rừng, cấm hút cát ven sông…

Liên quan tới các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước, ông Đặng Hoa Nam cho biết, cần thúc đẩy mạnh hơn việc dạy bơi và kĩ năng an toàn đối với nước cho học sinh, các địa phương cần phải tiếp tục đầu tư nhiều hơn để giữ gìn tính mạng của trẻ em.

“Cần có nhiều hơn nữa điểm dạy bơi, các kĩ năng an toàn cho trẻ em trong nhà trường và cộng đồng. Từ sự việc đau lòng xảy ra gần đây tại Hòa Bình, Cục Trẻ em đã đề nghị UBND TP Hòa Bình cũng như các địa phương khác cần rà soát vùng nước, vùng ao hồ nguy hiểm để cắm biển cảnh báo. Kể cả những nơi có đông trẻ em thường xuyên qua lại vui chơi cũng cần cắt cử người giám sát để những bài học đau xót này không xảy ra”, ông Đặng Hoa Nam cho hay.

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng cần phải tăng cường việc dạy bơi và kỹ năng an toàn cho trẻ. Ảnh: ANTT 

Liên quan tới vấn đề trên, theo bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nếu muốn giảm tỷ lệ tử vong trẻ em do đuối nước trong thời gian tới, cần làm rõ hơn trách nhiệm của địa phương trong kiến thiết, đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ em, tạo sân chơi cho trẻ em được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Trong đó, phải đặc biệt nhấn mạnh tới trách nhiệm, vai trò của ủy ban nhân dân các cấp.

“Chúng ta cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của địa phương nhất là ủy ban nhân dân các cấp trong vấn đề đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ được đào tạo các kỹ năng bơi, kỹ năng ứng phó với sự cố trong môi trường nước. Tùy điều kiện của địa phương, chính quyền các cấp cần xây dựng kế hoạch mở thêm các trung tâm dạy bơi, dạy kỹ năng cho trẻ khi ở trong môi trường nước. Với những nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn, có thể cân nhắc tận dụng những địa điểm tự nhiên để dạy bơi hoặc kêu gọi thêm sự vào cuộc của các tổ chức xã hội”, bà Ngô Thị Minh cho hay.

Cũng theo bà Minh, trách nhiệm về đảm bảo an toàn cho trẻ, hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước ở Việt Nam còn ở chính nhà trường và gia đình nơi nuôi dưỡng các em.

“Nhà trường phải thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho trẻ khi hoạt động trong môi trường nước để trẻ biết cách đối phó với các hiểm nguy tiềm ẩn. Tuy nhiên các trường cũng không nên cứng nhắc trong việc tuyển dụng các giáo viên dạy bơi phải có tiêu chuẩn quá cao cho trẻ vì như thế sẽ làm phình biên chế, không cần thiết.

Về mặt gia đình, các vị cha mẹ nếu đã biết bơi có thể dạy cho con trẻ, đó là phương pháp gần gũi, dễ thực hiện và đem lại hiệu quả cao. Tôi muốn nhấn mạnh lần nữa, gia đình có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hướng kỹ năng sinh tồn cho trẻ, trong đó có kỹ năng an toàn trong môi trường nước”, bà Minh khẳng định.

Phong Lâm

Báo động tình trạng hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm tại Việt Nam(VietQ.vn) - Theo thống kê, mỗi năm tại Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang