Mẹ Việt 'hại' con vì truyền nhau cách sơ cứu đuối nước theo cách này

authorThu Hường 06:21 05/08/2018

(VietQ.vn) - Thấy con đuối nước, không ít người đã dốc ngược con vác lên vai rồi chạy hoặc hô hấp nhân tạo đồng thời ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển tới bệnh viện. Tuy nhiên, họ không biết rằng, hành động này đang làm hại cho con trẻ.

Sự kiện: Khám phá bí ẩn thế giới

Cứ vào hè, tình trạng trẻ đuối nước, tử vong do đuối nước lại tăng lên, trở thành vấn đề khiến nhiều bậc làm cha, làm mẹ lo sợ. Khi trẻ bị đuối nước, nếu được sơ cứu kịp thời, tích cực và đúng phương pháp sẽ có khả năng được cứu sống, nếu ngược lại thì khả năng tử vong rất cao hoặc có thể để lại di chứng tổn thương não nặng nề. Vì vậy, việc cách xử trí cấp cứu cho nạn nhân bị đuối nước là điều vô cùng quan trọng.

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng đã truyền tai nhau hai cách sơ cứu người đuối nước đơn giản là cách dốc ngược hoặc vác lên vai. Tuy nhiên, đây là 2 cách hoàn toàn sai, có thể khiến người bị nạn chết oan.

Liên quan đến vấn đề này, BS Phạm Ngọc Toàn, khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, khoa liên tục tiếp nhận các trường hợp nặng do đuối nước, ý thức kém, hôn mê sâu, điểm glassgow xuống rất thấp, phải thở máy, đặt nội khí quản. Cá biệt có tuần liên tiếp 4 bệnh nhi nhập viện, đáng nói do sơ cứu sai cách khiến tình trạng của trẻ thêm nguy kịch

Sai lầm phổ biến nhất là truyền tai nhau dốc ngược người đuối nước hoặc vác bệnh nhân lên vai rồi chạy với hy vọng nước ọc ra.

Cứ vào mùa hè, tỷ lệ người đuối nước lại tăng cao. Ảnh: Dân trí  

Theo phân tích của bác sỹ Toàn: “Khi bị đuối nước, nước và các dị vật sẽ tràn vào đường thở gây thiếu oxy, suy hô hấp dẫn đến ngừng thở, ngừng tim, phù phổi cấp. Vì vậy càng sớm càng tốt phải cung cấp oxy cho bệnh nhân bằng cách mở thông đường thở, hà hơi, ép tim thổi ngạt. Nếu cứ vác hay dốc ngược bệnh nhân 15-20 phút đã vô tình làm mất thời gian vàng cứu sống bệnh nhân”.

Theo BS Toàn, xử trí cấp cứu ban đầu trong những trường hợp này tối quan trọng vì chỉ cần 3 phút không có oxy lên não đã gây tổn thương, 4 phút là não tổn thương không hồi phục, các cơ quan khác cũng bị thiếu oxy. Do đó nếu cứ đợi chuyển đến BV thì đã quá muộn, không thể can thiệp được gì nhiều, hầu hết sống thực vật hoặc tử vong.

Đồng quan điểm với bác sỹ Toàn, bác sĩ nhi khoa Nguyễn Đức Thường, Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, khi phát hiện có người bị đuối nước, việc đầu tiên cũng là việc quan trọng nhất là cung cấp oxy cho trẻ càng sớm càng tốt để giảm thiểu biến chứng . Muốn cung cấp oxy thì chúng ta cần biết cách sơ cứu người bị đuối nước.

Nhảy xuống hồ bơi, bé trai 9 tuổi bị đập đầu bất tỉnh, đuối nước(VietQ.vn) - Đơn vị hồi sức nhi Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) vừa tiếp nhận và cấp cứu một bé trai tên Khải 9 tuổi trong tình trạng lơ mơ, da môi tím tái, mạch đập nhanh, nội khí quản trào bọt máu do đuối nước

Bước 1: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.

Bước 2: Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.

Bước 3: Nếu bệnh nhân bất tỉnh hãy kiểm tra xem bệnh nhân còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực của bệnh nhân có di động hay không.

Sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là điều quan trọng nhất để cứu sống người đuối nước. Ảnh: Internet

Nếu lồng ngực không di động, tức là bệnh nhân ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái cần kiểm tra xem tim bệnh nhân còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập hay không.

Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim bệnh nhân đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở ½ dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người hoặc 30/2 nếu có 1 người. Sau đó vừa làm vừa đưa bệnh nhân đi viện.

Nếu bệnh nhân còn tự thở, cho bệnh nhân nằm nghiêng sang 1 bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm, nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.

Hạnh Vũ (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang