Finnair - đối thủ mới của hàng không nội

author 15:01 18/05/2012

Thêm hãng hàng không vào Việt Nam là cơ hội hợp tác, hội nhập nhưng cũng tăng tính cạnh tranh cho các hãng hàng không nội.

Hãng hàng không Finnair (Phần Lan), thành viên của One World đã chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam với tổng đại lý là Công ty Du lịch Biển Đông. One World là liên minh hàng không quốc tế khai thác hơn 800 chuyến bay hàng ngày tới 149 quốc gia trên thế giới.

Ông Retteri Kostemaa - Giám đốc Kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Finnair, nhận định: “Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng tại khu vực châu Á. Việc tham gia thị trường Việt Nam của Finnair đánh dấu bước phát triển quan trọng của Hãng trong việc mở rộng mạng đường bay đến khu vực này. Hãng dự kiến sẽ mở đường bay trực tiếp từ thành phố Helsinki đến khu vực tiềm năng này trong tương lai”.

Hãng hàng không Finnair (Phần Lan), thành viên của One World

Finnair sẽ có sản phẩm liên doanh với các hãng hàng không khác của Việt Nam, gồm Vietnam Airlines, Cathay Pacific, Jetstar. Sự liên kết này sẽ tạo các điểm trung chuyển kết nối với chuyến bay của hãng đến Helsinki, các điểm nội địa Phần Lan và hơn 60 điểm đến châu Âu.

Trước đó, các hãng hàng không tên tuổi trên thế giới liên tục tăng chuyến và mở đường bay mới tới Việt Nam. Cebu Pacific (Philippines) khai trương đường bay mới Manila - Hà Nội. Hãng hàng không United (Mỹ) và ANA (Nhật Bản) mở rộng Liên doanh xuyên Thái Bình Dương, cho phép hai hãng này hợp tác về giá, mạng bay trên tuyến Việt Nam - Mỹ. Từ việc mở rộng liên doanh, khách hàng Việt Nam được lựa chọn đường bay đi Mỹ trung chuyển qua Hồng Kông hoặc Nhật Bản đối dịch vụ của với cả hai hãng.

Nhiều hãng vận chuyển hàng hóa đường không cũng quan tâm đến Việt Nam. Trong tháng 3, hãng Saudi Airlines Cargo (Saudi Arabia) đã triển khai dịch vụ chở hàng từ TP.HCM tới vùng Trung Đông và Frankfurt (Đức), với tần suất 2 chuyến/tuần. Hãng hàng không Emirates SkyCargo, một thương hiệu trong lĩnh vực hàng không vận chuyển của tập đoàn Emirates, sẽ chính thức đưa vào hoạt động đường bay Dubai – TP.HCM vào ngày 4/6 tới. Việc bay tới nhiều điểm đến trên thế giới với số trạm dừng, trung chuyển được giảm xuống đáng kể là những thuận lợi mà hành khách đi và đến Việt Nam vẫn mong chờ bấy lâu.

Hãng hàng không Emirates SkyCargo

Việc nhiều hãng hàng không nước ngoài mở đường bay mới, tăng cường tần suất chuyến bay đến Việt Nam là một tín hiệu khả quan. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo, năm 2014, Việt Nam sẽ trở thành thị trường vận chuyển hành khách, hàng hóa quốc tế phát triển nhanh thứ ba trên thế giới (cả vận chuyển hành khách và hàng hóa), chỉ sau Trung Quốc, Brazil. Dự báo đến năm 2015, thị trường Việt Nam sẽ có 34-36 triệu lượt hành khách; đến năm 2019 sẽ đạt 52-59 triệu lượt hành khách. Trong khi đó, vận tải hàng hóa sẽ tăng lên 850.000–930.000 tấn vào năm 2015 và 1,4-1,6 triệu tấn vào năm 2019.

Tuy nhiên, các hãng hàng không nội địa lại đuối hơn ngay trên chính sân nhà. Hãng hàng không Indochina Airlines rút lui. Trãi Thiên Air Cargo bị rút giấy phép. Jetstar Pacific sát nhập về Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) do liên tục hạch toán lỗ, có lúc lỗ đến hàng ngàn tỷ đồng. Bản thân Vietnam Airlines cũng đang trong quá trình tái cấu trúc. Air Mekong, Vietjet Air đang trong chặng đường củng cố phát triển, xây dựng thương hiệu. Rõ ràng, thêm hãng hàng không bay tới Việt Nam là cơ hội hợp tác, hội nhập đang mở rộng cho các doanh nghiệp khai thác du lịch, vận tải trong nước, nhưng cũng tăng tính cạnh tranh rất khốc liệt cho các hãng hàng không nội.

Anh Trịnh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang