Giá xăng, dầu đồng loạt giảm mạnh

author 15:01 10/12/2021

(VietQ.vn) - Từ 15h hôm nay ngày 10/12, mỗi lít xăng E5 RON 92 giảm 830 đồng, RON 95 giảm 1.100 đồng, các mặt hàng dầu đồng loạt giảm 870-1.050 đồng.

Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Theo đó, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 là 22.080 đồng một lít, còn xăng RON 95 là 22.800 đồng. Đây là lần giảm giá xăng thứ hai tiếp từ cuối tháng 11.

Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Dầu diesel giảm 1.050 đồng, còn 17.330 đồng một lít. Dầu hoả giảm 870 đồng một lít, còn 16.320 đồng. Dầu madut cũng về mức 15.740 đồng một kg, tương đương mức giảm 730 đồng.

Ở kỳ điều hành này chỉ có mặt hàng xăng E5 RON 92 được cơ quan điều hành chi 300 đồng một lít từ quỹ. Các mặt hàng còn lại không chi quỹ.

Giá xăng, dầu đồng loạt giảm mạnh

 Giá xăng, dầu đồng loạt giảm mạnh.

Về trích quỹ bình ổn, liên Bộ quyết định mỗi lít xăng RON 95 sẽ trích 700 đồng vào quỹ bình ổn; mức trích với xăng E5 RON 92 và dầu diesel là 250 đồng một lít. Còn mặt hàng dầu hoả trích 500 đồng mỗi lít vào quỹ bình ổn và dầu madut là 700 đồng một kg.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá hôm 26/10/2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái –Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các Bộ, ngành quyết tâm thực hiện kiểm soát lạm phát dự kiến khoảng 2,0%, góp phần hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế và đời sống xã hội, trong trường hợp bất thường dự kiến cũng không vượt quá 2,5%, đảm bảo thực hiện mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Tuy nhiên, Ban chỉ đạo cũng nhận định áp lực lạm phát trong năm 2022 là rất lớn, nhất là khi xu hướng các nước đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược khiến giá cả nguyên liệu tăng cao; Đặc biệt trong thời điểm đầu năm 2022 khi nhu cầu tiêu dùng theo quy luật tăng trong dịp Tết Nguyên đán cũng như tổng cầu nền kinh tế sẽ có những hồi phục khi dịch bệnh được kiểm soát.

Trên cơ sở đó theo Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo công tác quản lý, điều hành giá các tháng còn lại năm 2021 và ngay trong thời gian đầu năm 2022 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thường xuyên có đánh giá, dự báo cụ thể để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời; Tập trung vào việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa giữ bình ổn mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu; chủ động tháo gỡ khó khăn và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có dịch bệnh cần cách ly hoặc giãn cách xã hội, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân, nhất là dịp lễ, Tết Nguyên đán 2022.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh thực hiện công tác giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công. Tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động có kế hoạch hoặc lồng ghép vào các kế hoạch, nhiệm vụ chuyên môn để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đối với giải pháp cụ thể về quản lý, điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, các Bộ, ngành cần tiếp tục phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể: Điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới; Đồng thời tính toán mức trích lập và chi sử dụng quỹ BOG phù hợp để tạo dư địa cho công tác điều hành giá trong các tháng cuối năm.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang