Giải bài toán đứt gãy chuỗi cung ứng dệt may: Cần đa dạng hóa nguồn cung

author 06:25 24/10/2022

(VietQ.vn) - Bên cạnh những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế thì hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, một điểm yếu của dệt may Việt Nam là phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, trong đó trên 50% nhập khẩu từ Trung Quốc.

 Bản thân Việt Nam cũng có rất nhiều lợi thế và tiềm năng để trở thành thị trường sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may. Ảnh minh họa.

Dệt may là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn trong nền kinh tế quốc dân nước ta. Ngành dệt may Việt Nam sau hơn 20 năm liên tục phát triển với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 15%/năm, đến nay đã vươn lên trở thành ngành kinh tế hàng đầu cả nước, với kim ngạch xuất khẩu đóng góp từ 10% - 15% GDP hàng năm. Việt Nam hiện là một trong 5 nhà xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới với thị phần 4%-5%.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp đáng kể thì hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, một điểm yếu của dệt may Việt Nam là phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, trong đó trên 50% nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhận định về vấn đề trên, ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch Giovanni Group cho biết, Trung Quốc là quốc gia rộng lớn và có nhiều nguồn tài nguyên phong phú. Quốc gia này có chiến lược phát triển để trở thành công xưởng của thế giới trong nhiều lĩnh vực. Vì thế không có gì lạ khi Việt Nam hay nhiều quốc gia khác phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, đặc biệt là ngành dệt may.

Hơn nữa, nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc có nhiều chủng loại. Trung Quốc có những nguồn cung nguyên liệu dệt may vô cùng cao cấp mà các thương hiệu xa xỉ châu Âu vẫn đang sử dụng như lông thú, tơ lụa.

Thế nhưng, khi Trung Quốc có những thay đổi về chính sách kinh tế cũng như khó lường của tình hình thế giới, các doanh nghiệp thường đối mặt nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng mà Trung Quốc là một mắt xích quan trọng. Sau những bài học của Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch Covid-19, chúng ta nhận ra rằng việc đặt toàn bộ nguồn cung vào một quốc gia, dù đó là quốc gia khổng lồ như Trung Quốc, đều là mạo hiểm và nhiều rủi ro.

Vì thế, với bài toán chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp dệt may cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào. Bản thân Việt Nam cũng có rất nhiều lợi thế và tiềm năng để trở thành thị trường sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, không chỉ cho doanh nghiệp nội địa mà còn có thể xuất ra thế giới. Tuy nhiên, điều này cần những chính sách phát triển ngành của Chính phủ như quy hoạch vùng kinh tế, khu công nghiệp. Hơn nữa, hệ thống ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành dệt may hay ngành nguyên liệu dệt may cũng cần được chú trọng phát triển đồng thời và đồng bộ.

Bên cạnh đó, muốn tham gia sân chơi của những quốc gia phát triển vốn đòi hỏi cao về tiêu chuẩn, chất lượng, Việt Nam cần xây dựng tư duy phát triển bền vững. Phát triển bền vững thể hiện ở việc đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Lý do là bởi tiêu chuẩn dệt may tại các thị trường quốc tế đang đòi hỏi sự minh bạch về tác động môi trường cũng như kinh tế, xã hội. Có những quốc gia bị áp đặt lệnh cấm xuất khẩu vì nguyên vật liệu của họ được cho là gây ô nhiễm môi trường ở chính quốc gia sản xuất hay sử dụng lao động không được đối xử nhân đạo.

Việt Nam cũng cần chú trọng đào tạo nhân sự cho ngành dệt may. Chúng ta cần cử những đoàn công tác đi nghiên cứu và tiếp thu, mang về công nghệ hiện đại và những tiêu chuẩn, dây chuyền sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường phát triển như Nhật Bản, Âu - Mỹ.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang