Giải pháp tháo gỡ khó khăn sụt giảm đơn hàng dệt may từ nay đến cuối năm

author 13:20 18/09/2022

(VietQ.vn) - Nguyên nhân được cho là do thời gian qua, thế giới trải qua nhiều biến động khó lường như lạm phát diễn ra tại một số quốc gia châu Âu hay cuộc xung đột Nga - Ucraine dẫn đến tình trạng doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, trong đó có ngành dệt may.

Theo số liệu thống kê, trong 8 tháng năm 2022, ngành dệt may xuất khẩu ước đạt 30,1 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 17,5 tỷ USD. Như vậy, ngành tiếp tục xuất siêu khoảng 12,6 tỷ USD. Đây là “điểm sáng” đáng ghi nhận đối với ngành dệt may nước ta.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nay, dự báo khó khăn của ngành dệt may đã bắt đầu hiện thực hoá, nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu thiếu đơn hàng, đang chấp nhận làm với giá thấp.

Dự báo khó khăn của ngành dệt may đã bắt đầu hiện thực hoá, nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu thiếu đơn hàng, đang chấp nhận làm với giá thấp. Ảnh minh họa. 

Nguyên nhân được cho là do thời gian qua, thế giới trải qua nhiều biến động khó lường như lạm phát diễn ra tại một số quốc gia châu Âu hay cuộc xung đột Nga - Ucraine dẫn đến tình trạng doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, trong đó có ngành dệt may.

Hơn nữa, việc EU đưa ra chiến lược mới về dệt may, quy định về tỷ lệ thay thế, xanh hoá sản phẩm, chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững cũng yêu cầu doanh nghiệp trong nước phải chuyển dịch mạnh để đáp ứng.

Ông Trương Văn Cẩm cho hay, hiệp hội đang thống kê để có hướng hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó tập trung vào những doanh nghiệp có lượng đơn hàng giảm nhiều, ảnh hưởng đến người lao động.

Cụ thể, nhằm giúp cho các doanh nghiệp có đơn hàng, ông Trương Văn Cẩm đề xuất, các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục chia sẻ thông tin về thị trường nước sở tại, nhất là Thương vụ tại khu vực EU, cập nhật thông tin về chiến lược mới liên quan đến dệt may.

Ví dụ như Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại làm thế nào thông thoáng con đường vận chuyển giữa hai nước, giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên phụ liệu phục vụ kịp thời cho sản xuất. Thương vụ Việt Nam tại thị trường Mỹ và Pháp cung cấp thông tin và tư vấn cho doanh nghiệp dệt may trong nước những hội chợ phù hợp để tham gia... Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần tìm cách đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ.

Đại diện các doanh nghiệp dệt may cũng mong mỏi Chính phủ sớm phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035", tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung, công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư khâu dệt nhuộm, giải quyết điểm nghẽn về vải, đáp ứng yêu cầu xuất xứ và tận dụng tốt các ưu đãi từ các FTA mang lại.

Ngoài ra, bỏ quy định nộp thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa sản xuất xuất khẩu; sớm triển khai thực hiện gói hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp và gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm cho người lao động.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang