Giảm thuế, phí để kích cầu tiêu dùng nội địa

author 14:11 13/03/2013

(VietQ.vn) - Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng xem xét khả năng tiếp tục giảm thuế và phí đối với nhiều doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân có khả năng tiết kiệm góp phần cho ổn định kinh tế.

Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Chính phủ và Quốc hội có các giải pháp miễn và giảm thuế, phí để khôi phục sản xuất hỗ trợ thị trường.

Mặc dù suy giảm kinh tế nhưng trong cơ cấu thu nội địa năm 2012 thu từ thuế thu vượt dự toán đến 21,2%. Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng chính việc vượt thu thuế thu nhập cá nhân năm 2012 tuy vấp phải sự thâm hụt cán cân ngân sách nhưng lại không tốt đối với việc khôi phục thị trường nội địa, vậy giải pháp nào để kích cầu tiêu dùng nội địa...Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế về vấn đề này.

Ông có đánh giá gì về hiệu quả của chính sách giảm thuế và phí để có thể kích cầu tiêu dùng nội địa trong những năm vừa qua?

Chúng ta thấy rằng chính sách giảm thuế và phí như là một trong những điểm nhấn chính của Nghị quyết 13 của Chính phủ và khẳng định trong Nghị quyết 02 năm 2013 này và nó cũng là sự tiếp nối của Nghị quyết 11 của Chính phủ của những năm trước nữa. Rõ ràng đây là một trong những giải pháp rất quan trọng để giúp cho các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng giảm bớt những gánh nặng về tài chính.

Đối với doanh nghiệp, điều hành giúp cho doanh nghiệp giảm bớt các chi phí đầu vào đặc biệt là khi giảm thuế và giảm bớt tiền thuê đất và các nghĩa vụ khác. Thứ hai nữa là việc gia hạn thuế cũng như những lĩnh vực tài chính khác là một động thái giúp cho các doanh nghiệp có thêm một lượng vốn không mất lãi để các doanh nghiệp có thêm nguồn động lực cho tái đầu tư và phát triển

Đối với người tiêu dùng và người dân thì rõ ràng việc giảm thuế, phí đặc biệt là một số khoản thuế gần đây sẽ giúp cho người dân có thêm một nguồn thu nhập bổ sung và điều này nếu được đưa vào trong tiêu dùng sẽ giúp gia tăng thị phần, khả năng thanh toán trên thị trường.

Tóm lại chúng tôi đánh giá cao tinh thần của việc giảm thuế, giảm phí đối với doanh nghiệp cũng như đối với người dân như là một trong biện pháp cơ bản để giảm tải bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp cũng như cho người dân từ đó giúp cho nền kinh tế có thêm những nguồn lực bổ sung cho phát triển đặc biệt trong bối cảnh có nhiều khó khăn như hiện nay.

TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế.

Vâng thưa Tiến sỹ đó có phải là giải pháp tốt nhất để có thể thực hiện mục tiêu kép đó là tăng trưởng khoảng 5,5% tuy nhiên lạm phát là khoảng 8% mà Chính phủ đề ra trong năm nay không và vì sao thưa ông ?

Đó là giải pháp tốt tuy nhiên đó không phải là giải pháp tốt nhất và duy nhất. Chúng ta thấy rằng đối với một doanh nghiệp có 3 gánh nặng : Đó là gánh nặng về mặt tài chính chúng ta đã thực hiện những giải pháp liên quan những giải pháp liên quan đến giảm thuế, giảm phí. Gánh nặng về lãi suất là một gánh nặng rất quan trọng mà doanh nghiệp đã phải gánh suốt mấy năm nay thì việc giảm thuế, giảm phí đồng thời với nó là giảm lãi suất tín dụng của Ngân hàng cho doanh nghiệp như là một giải pháp rất quan trọng và cùng lúc giảm tải gánh nặng đầu vào cho doanh nghiệp. Ngoài ra còn giảm thêm một gánh nặng nữa là gánh nặng về thể chế, các thủ tục hành chính, các chi phí liên quan đến hành chính.

Tất cả sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm được cả ba gánh nặng kể trên. Đây cũng chính là nội dung lớn nhất của Nghị quyết XIII cũng như được khẳng định trong Nghị quyết 02, là một trong những giải pháp trọng yếu nhất để giúp cho các doanh nghiệp vượt qua được những khó khăn trong giai đoạn tới.

Vậy thì cụ thể những giải pháp đồng bộ đó là gì để chúng ta có thể thực hiện được các mục tiêu kép nêu trên ?

Về mặt cơ học cũng như các chính sách và các hỗ trợ khác của Chính phủ và các cơ quan khác là phải tập trung vào rà soát để chọn ra những lĩnh vực trọng tâm tránh đầu tư quá dàn trải, phải tập trung vào những sản phẩm mà thị trường có nhu cầu cũng như triển vọng những năm tới sẽ khai thác được sức cạnh tranh tốt nhất của doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế. Đây chính là trọng tâm của đề án tái cấu trúc tổng thể kinh tế vừa được Chính phủ thông qua cách đây một vài tuần.

Thứ hai là thiết kế lại các chính sách, các ưu đãi của thể chế, tập trung vào những lĩnh vực đó và hỗ trợ những lĩnh vực mà Chính phủ đặt trọng tâm ví dụ như là: xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, những ngành hướng tới nông nghiệp nông thôn, phát triển công nghệ cao. Đó là những ngành cần phải tập trung mà các chính sách cần phải tập trung vào đó.

Việc giảm thiểu các chi phí nguồn lực bao gồm nguồn lực về vốn, tài chính, công nghệ và lao động cũng cần phải được chuẩn bị tốt và được giảm thiểu các chi phí để giúp doanh nghiệp giảm nhẹ đầu vào và có thêm những động lực để tăng sự cạnh tranh.

Cuối cùng tôi cho rằng việc cập nhật thường xuyên các thông tin để điều chỉnh chính sách và tăng năng lực quản lý thị trường cũng rất quan trọng mà rất đề cao vai trò của hiệp hội cũng như các doanh nghiệp đầu đàn bao gồm những doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp ngoài nhà nước để tạo ra một sức đẩy cũng như sự liên kết từ đó giúp cho mục tiêu cao nhất đó là vừa tiếp tục duy trì độ tăng trưởng vừa kiềm chế lạm phát như là Chính phủ đã đề ra trong năm 2013.

Xin cảm ơn ông !

Long Thành (lược ghi)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang