Giáo dục giới tính: Chậm gần nửa thế kỷ

author 08:57 21/05/2013

(VietQ.vn) - Lâu nay rất nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh, thường né tránh chuyện giáo dục giới tính cho con em vì cho rằng giáo dục giới tính đi liền với những quan điểm về tình dục. Điều này hoàn toàn sai lầm…

Lời tòa soạn: Giáo dục giới tính cho con em là vấn đề cấp thiết và là mối quan tâm không chỉ của riêng các bậc phụ huynh mà cả những người làm công tác giáo dục, các nhà quản lý. Tuy nhiên, để công việc này thực sự mang lại hiệu quả, điều tiên quyết là phải có một phương pháp giáo dục phù hợp, nhất quán và được sự đồng thuận của tất cả các bên. Đó cũng là nội dung chính của loạt bài viết 3 kỳ khởi đăng từ hôm nay (21/5), Chất Lượng Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Với nhiều nước trên thế giới, giáo dục giới tính cho trẻ được thực hiện từ rất sớm<br>
Với nhiều nước trên thế giới, giáo dục giới tính cho trẻ được thực hiện từ rất sớm

Thực chất, giáo dục giới tính là thuật ngữ rất rộng, bao hàm việc giáo dục về giải phẫu sinh dục, sinh sản, quan hệ tình dục, sức khoẻ sinh sản, các quan hệ tình cảm, quyền sinh sản, tránh thai và các khía cạnh khác của thái độ tình dục loài người.

Ở nước ta, đây là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi từ cấp độ nhà quản lý cho đến cha mẹ học sinh và ngay cả các thầy cô giáo. Hiện vẫn chưa có một mục tiêu, chương trình giáo dục thống nhất, cụ thể được thông qua. Tất cả phương pháp giáo dục mà các gia đình, nhà trường đang áp dụng đều do tự mày mò, tự giáo dục bằng kiến thức họ có.

Hàng loạt hội thảo nhưng… chưa thống nhất

Việc giáo dục giới tính cho trẻ (đang trong độ tuổi đi học – PV) ở Việt Nam được các nhà quản lý giáo dục nhìn nhận là rất cần thiết. Chính vì thế, rất nhiều hội thảo, hội nghị đã mở ra nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất vì có nhiều ý kiến trái chiều. Đến thời điểm hiện tại, giáo dục giới tính vẫn chưa được đưa vào chương trình các môn học phổ thông riêng như nhiều người kỳ vọng.

Nhiều ý kiến phụ huynh tại các hội thảo cho rằng, việc giáo dục giới tính, giáo dục tình dục cho trẻ ở tuổi vị thành niên là “vẽ đường cho hươu chạy” và vô hình dung làm cho trẻ hiểu biết thêm nhiều thứ mà các cháu chưa đủ tuổi để lĩnh hội. Tuy nhiên, chính quan điểm rất sai lầm đó đã đẩy con em vào tình trạng thiếu hiểu biết về giới tính, tình dục và dẫn đến những hành động, việc làm lệch lạc.

Vì sự bảo thủ trong cách suy nghĩ như vậy nên tỷ lệ giáo dục giới tính trong trường học tại Việt Nam rất thấp. Kết quả là trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 5 thế giới

Bàn về vấn đề này, một chuyên gia cho rằng: “Thà cứ vạch đường cho hươu chạy đúng hướng, còn hơn ngồi im mà hươu vẫn cứ chạy, nhưng con hươu đó chạy một cách vô phương hướng và không có một cái đích cố định”.

Mới đây nhất, ngày 12/4/2013, tại Hội thảo “Phổ biến kết quả nghiên cứu về giới và sức khỏe sinh sản cho thanh niên, học sinh, sinh viên” tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Trần Quang Quý nhấn mạnh, cần chú trọng phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng; nâng cao chất lượng dạy và học, hoạt động ngoại khoá về giáo dục giới tính, truyền thông về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, giáo dục kỹ năng sống.

Nếu không nhanh chóng tổ chức giáo dục giới tính cho trẻ sẽ để lại nhiều hệ lụy như: tình trạng tuổi quan hệ tình dục ở nước ta ngày càng sớm, trong đó học sinh, sinh viên chiếm phần lớn; tỉ lệ nạo phá thai cũng liên tục gia tăng theo các năm; tội phạm là trẻ đang ở tuổi vị thành niên ngày càng nhiều và có nhiều hành động táo tợn…

Nên học tập nước ngoài

Trong khi nước ta vẫn chưa có sự thống nhất trong cách giáo dục cho trẻ em về giới tính thì các nước phát triển trên thế giới đã thực hiện từ lâu. Việc giáo dục giới tính của các nước này không chỉ bó gọn ở một độ tuổi hay cấp học nào mà được thực hiện từ khi trẻ em bắt đầu tiếp xúc với xã hội.

Mặt khác, giáo dục giới tính còn có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội. Tại gia đình, các bậc phụ huynh không ngần ngại giải đáp thắc mắc của trẻ về cơ thể; tại nhà trường, giáo dục kỹ năng sống là một trong những chương trình được đẩy mạnh nhất.

 

Ở Đức, giáo dục giới tính đã là một phần của chương trình học từ năm 1970. Từ năm 1992, giáo dục giới tính được luật pháp quy định là trách nhiệm của chính phủ. Thông thường nó đề cập tới mọi chủ đề liên quan tới quá trình lớn lên, những thay đổi về cơ thể khi dậy thì, các cảm xúc, các quá trình sinh học của sinh sản, hoạt động tình dục, quan hệ tình cảm, đồng tính, mang thai ngoài ý muốn và những phức tạp của việc phá thai, những nguy hiểm của bạo lực tình dục, lạm dụng trẻ em và các bệnh lây truyền qua đường tình dục… nhưng thỉnh thoảng là cả các chủ đề như tư thế quan hệ tình dục. Đa số trường có các bài giảng về việc sử dụng biện pháp tránh thai chính xác.

Tại Pháp, giáo dục giới tính đã là một phần của chương trình học trong nhà trường từ năm 1973. Các trường cung cấp 30 tới 40 giờ giáo dục giới tính và cấp phát bao cao su cho các học sinh ở lớp tám và lớp chín. Tháng 1/2000, chính phủ Pháp đã tung ra một chiến dịch thông tin về tránh thai trên các chương trình TV và đài phát thanh, đồng thời phát 5 triệu tờ rơi về tránh thai cho học sinh trung học.

Còn ở Hà Lan, chính phủ trợ cấp cả một gói giáo dục “Lang leve de liefde” (“Tình yêu dài lâu”), từ cuối thập niên 1980, với mục tiêu tạo cho thanh niên các kỹ năng tự đưa ra quyết định về sức khoẻ và tình dục. Giáo sư Brett van den Andrews, một nhà khoa học nghiên cứu ngành y cho rằng: “Việc cho trẻ em trong độ tuổi 4–7 tiếp xúc với giáo dục giới tính có thể làm giảm đáng kể nguy cơ về mang thai sớm hay sức khoẻ trong tương lai”.

Cũng tại đất nước này, hầu như mọi trường cấp hai đều có các bài giáo dục giới tính như một phần của các buổi học Sinh học và hơn một nửa số trường tiểu học có thảo luận về tình dục và tránh thai. Nội dung tập trung trên các khía cạnh sinh học của sinh sản cũng như các giá trị, thái độ, thông tin và các kỹ năng đàm phán. Truyền thông đã khuyến khích đối thoại công khai và chương trình chăm sóc sức khoẻ đảm bảo một cách tiếp cận bí mật và không phán xét. Hà Lan có tỷ lệ mang thai ở độ tuổi thanh niên thấp nhất thế giới và cách tiếp cận của quốc gia này thường được các nước khác coi là hình mẫu.

Ngoài ra, tại Đan Mạch, Thụy Điển, Anh, Hoa Kỳ… các mô hình về giáo dục giới tính được hình thành từ rất sớm và phù hợp với lứa tuổi, rất đáng để Việt Nam học tập.

(Còn nữa)

Ngọc Nữ - Lê Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang