Phát hiện cơ sở kinh doanh viên sủi an thần giả mạo mã số đăng ký lưu hành sản phẩm

author 11:15 03/11/2022

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội vừa phát hiện một cơ sở kinh doanh 385 hộp viên sủi an thần cùng hàng nghìn sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc.

Thông tin từ Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết, Đội vừa tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Cơ sở kinh doanh tại địa chỉ: số 12, ngõ 25, ngách 106, hẻm 47 đường Phú Minh, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội do ông Nguyễn Văn Hoàng (sinh năm 2000) làm chủ.

Thời điểm này, lực lượng chức năng phát hiện 385 hộp viên sủi an thần có dấu hiệu giả mạo về tên, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối sản phẩm; giả mạo mã số đăng ký lưu hành sản phẩm của Công ty TNHH thương mại KHT. Nhận định trên cũng được đại diện Công ty TNHH thương mại KHT xác nhận là có căn cứ tại hiện trường kiểm tra.

385 hộp viên sủi an thần giả mạo bị phát hiện. Ảnh: Quyên Lưu 

Ngoài lô viên sủi an thần, tại hiện trường kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 1 còn phát hiện hàng loạt các sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe khác như: Canxi PTPLUS, TOCA, V3, Xtraman, viên sủi MOLI và LADY. Số lượng lên tới nghìn sản phẩm.

Chủ cơ sở kinh doanh chưa xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của sản phẩm. Ngoài ra cơ sở cũng chưa thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định.

Do vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự theo Khoản 1, Điều 193 Bộ Luật Hình sự vì vậy Đội QLTT số 1 tiếp tục củng cố hoàn thiện hồ sơ để chuyển Cơ quan điều tra công an Quận Bắc Từ Liêm xử lý hình sự theo Điều 62 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Đây là một trong những vụ việc đầu tiên và điển hình nhằm thực hiện Kế hoạch số 16/KH-QLTTHN ngày 31/10/2022 của Cục quản lý thị trường thành phố Hà Nội về triển khai công tác kiểm tra kiểm soát thị trường các tháng cuối năm 2022 và Tết nguyên đán Quý Mão 2023.

Liên quan tới hành vi kinh doanh hàng giả, cụ thể là hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa, theo Nghị Định 185/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều 13 Hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Theo đó, đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ và e khoản 8 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:

e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ quy định trên đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ và e khoản 8 Điều 3 Nghị định này. Theo đó, mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật vi phạm. Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Người sản xuất, buôn bán hàng giả, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự - tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Đối với “Tội sản xuất buôn bán hàng giả” thì tội phạm này xâm phạm đến tính trung thực, sự hoạt động đúng đắn của các chủ thể sản xuất kinh doanh, đồng thời xâm phạm đến lợi ích của người tiêu dùng. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp (người phạm tội biết rõ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng với động cơ vụ lợi nên vẫn thực hiện).

Theo Điều 156 BLHS, có 3 khung hình phạt đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả: Khung 1 phạt tù từ sáu tháng đến năm năm đối với người sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại điều này hoặc tại một trong các Điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Khung 2 phạt tù từ ba năm đến mười năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; Thu lợi bất chính lớn; Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang