Hà Nội yêu cầu địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra hàng giả, gian lận thương mại

(VietQ.vn) - UBND thành phố Hà Nội yêu cầu lực lượng chức năng phải đẩy mạnh kiểm tra, xử lý triệt để và địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra hiện tượng hàng giả, hàng lậu.
Tăng cường kiểm tra về TCĐLCL đối với sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường
Mỹ phẩm 'thần tốc': Bộ Y tế cảnh báo, người dùng có thể trả giá bằng sức khỏe
Nhiều doanh nghiệp áp dụng thành công tiêu chuẩn ISO 22000
Xử lý 444 vụ việc vi phạm về hàng giả, nhập lậu trong tháng 5
Theo Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...
Trong tháng 5, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 493 trường hợp, xử lý 444 vụ việc; chuyển cơ quan điều tra 6 vụ việc; phạt hành chính 5,9 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm là 4,7 tỷ đồng.
Một số vụ việc điển hình những ngày gần đây: Ngày 7/5/2025, Đội Quản lý thị trường số 7, Chi Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra đối với địa điểm kinh doanh tại Cụm kho Minh Việt, lô đất HH, dự án khu đô thị mới Cầu Bươu, Xã Thanh Liệt, Huyện Thanh Trì, Thành Phố Hà Nội. Qua kiểm tra thực tế, Đội Quản lý thị trường số 7 phát hiện cơ sở đang kinh doanh 490 thùng nấm kim châm ENOKI MUSHROOMS, có nhãn chữ nước ngoài, đã hết hạn sử dụng. Cụ thể, sản phẩm được sản xuất ngày 14/3/2025, hạn sử dụng đến 28/4/2025, với thời hạn sử dụng chỉ 45 ngày.
Tiếp đến vào ngày 19/5/2025, Đội Quản lý thị trường số 13 đã tiến hành kiểm tra hai điểm kinh doanh trên địa bàn phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Tại hộ kinh doanh trên phố Quan Hoa do bà Phạm Thị Kim Hằng làm chủ, lực lượng chức năng phát hiện 150 đôi giày thể thao và 100 đôi tất có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike. Tổng trị giá lô hàng 63 triệu đồng.

Hà Nội thu giữ nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng trong thời gian vừa qua. Ảnh minh họa
Cũng trong ngày 19/5 kiểm tra cơ sở kinh doanh giày tại ngõ 58 Nguyễn Khánh Toàn do ông Bùi Dương Duy làm chủ, lực lượng chức năng tiếp tục thu giữ 130 đôi giày thể thao có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike, trị giá 58,5 triệu đồng. Tổng cộng, 380 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike đã bị Đội Quản lý thị trường số 13 tạm giữ. Hai cơ sở này đang đối diện mức phạt 97,5 triệu đồng, trong đó có 45 triệu đồng mỗi trường hợp cho hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Riêng cơ sở kinh doanh của ông Bùi Dương Duy làm chủ còn bị xử phạt thêm 7,5 triệu đồng do không đăng ký Hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Ngày 21/5/2025, Đội Quản lý thị trường số 17 phối hợp với Đội 2 - Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH thương mại quốc tế HARMONY Việt Nam có địa chỉ tại Khu 900, thôn Đồng Vàng, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện công ty này đang kinh doanh hơn 1.300 sản phẩm ắc quy mang nhãn hiệu TIANDONG và Yunqiang không có thông tin về xuất xứ, cùng với đó là hơn 6500 sản phẩm ắc quy các loại có gắn nhãn “Made in China”. Các sản phẩm này bao gồm nhiều loại ắc quy xe máy và xe điện mang thương hiệu Harmony. Tại thời điểm kiểm tra, bà N.T.N - Giám đốc công ty - không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến toàn bộ số hàng hóa nêu trên.
Tổng trị giá lô hàng vi phạm bị phát hiện và tạm giữ lên tới gần 1,8 tỷ đồng. Làm việc với đoàn kiểm tra, bà N.T.N - Giám đốc công ty - chưa xuất trình được bất kỳ giấy tờ, chứng từ nào liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn mua bán của toàn bộ số hàng hóa nói trên.
Đặc biệt, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện đường dây sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả với số lượng lên tới 100 tấn, tổng giá trị hàng hóa khám xét, thu hồi ước tính khoảng trên 77 tỷ đồng.
Theo Đại tá Thành Kiên Trung - Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố Hà Nội), dù lực lượng chức năng đã kiểm tra, đấu tranh quyết liệt, song thị trường dược phẩm, thực phẩm chức năng đang phát triển trong bối cảnh rất khó quản lý.
Tình trạng này có một phần nguyên nhân từ những bất cập trong cơ chế. Cụ thể, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự công bố sản phẩm, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của sản phẩm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để làm ăn phi pháp.
Với cơ chế tự công bố, doanh nghiệp không cần cơ quan quản lý nhà nước thẩm định hồ sơ. Thủ tục tự công bố khá đơn giản, hồ sơ không phức tạp và không mất phí. Do đó, nhiều doanh nghiệp ồ ạt tự công bố sản phẩm nhưng số lượng sản xuất thực tế có thể không đúng với số lượng đã công bố, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong thanh tra, hậu kiểm.
“Về phía cơ quan quản lý, số lượng sản phẩm tự công bố hiện nay quá lớn. Trong khi đó, lực lượng hậu kiểm lại hạn chế, gây áp lực rất lớn cho công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát sau công bố”, Đại tá Thành Kiên Trung nhận định.
Còn theo Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Trịnh Quang Đức, lực lượng quản lý thị trường chỉ được kiểm tra, kiểm soát nhóm hàng dược phẩm, thuốc cổ truyền, thực phẩm (bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt hiện do Bộ Y tế quản lý), mỹ phẩm… trên khâu lưu thông, tức chỉ kiểm tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tăng kiểm tra, kiểm soát, xử lý triệt để sai phạm
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 thành phố, Hà Nội triển khai nghiêm Công điện, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Mục tiêu là hoàn thiện các cơ chế, chính sách, chủ động phòng ngừa, tăng kiểm tra, kiểm soát, xử lý triệt để sai phạm.
Các lực lượng chức năng tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp; công khai thư điện tử, đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời các tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
“Hoàn thiện lại quy chế kiểm tra, giám sát, khẩn trương ban hành kế hoạch kiểm tra cao điểm hàng giả, hàng lậu; phân công cụ thể trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị, cá nhân; triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường mang tính đột phá theo lĩnh vực, trong đó chủ trọng đến lĩnh vực thương mại điện tử. Siết chặt sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng. Địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra hiện tượng hàng giả, hàng lậu. Lực lượng chức năng phải đẩy mạnh kiểm tra, xử lý triệt để”, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công văn số 1802/UBND-KGVX ngày 6/5/2025 yêu cầu thành phố phải chủ động mở các chuyên án đấu tranh, truy quét tận gốc các đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả. Lực lượng công an các cấp được giao nhiệm vụ tiếp tục nắm chắc tình hình địa bàn, không để lọt tội phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Các quận, huyện, thị xã tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra an toàn thực phẩm, dược phẩm trên địa bàn; xử lý nghiêm các cơ sở sai phạm; tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tăng cường hiệu lực quản lý trong lĩnh vực dược, thực phẩm và hoạt động quảng cáo; chủ động đề xuất giải pháp xử lý những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
An Dương