Mỹ phẩm 'thần tốc': Bộ Y tế cảnh báo, người dùng có thể trả giá bằng sức khỏe

author 15:07 23/05/2025

(VietQ.vn) - Hàng loạt mỹ phẩm trắng da, giảm cân, “trẻ hóa” đang được rao bán tràn lan với công dụng thần kỳ. Trong khi Bộ Y tế liên tục cảnh báo, người tiêu dùng vẫn đổ xô mua mà không lường trước cái giá có thể phải trả.

Theo dự thảo Nghị định mới do Bộ Y tế đề xuất, cơ sở kinh doanh mỹ phẩm sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo sản phẩm mà không cần phải xin xác nhận trước từ cơ quan quản lý. Nội dung quảng cáo bắt buộc phải phù hợp với bản chất, tính năng và công dụng đã công bố của sản phẩm.

Tuyệt đối không được gây hiểu lầm rằng mỹ phẩm có khả năng điều trị bệnh như thuốc, không được sử dụng tên tuổi, hình ảnh của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế hay cơ sở y tế để làm tăng độ tin cậy. Dự thảo cũng cấm sử dụng các từ ngữ phóng đại công dụng như “điều trị”, “tiệt trừ”, “hàng đầu”, “tốt nhất”, “duy nhất”, “100% hiệu quả”, “trắng da thần tốc”, “trị nám vĩnh viễn”, “giảm cân tức thì”... Những từ ngữ khẳng định hiệu quả tuyệt đối, cam kết khỏi bệnh, trắng da nhanh chóng đều bị cấm. 

Không được sử dụng hình ảnh động vật, thực vật nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm. Tất cả nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải chứa các thông tin bắt buộc như tên sản phẩm, công dụng, tên, địa chỉ tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế.

Tuy nhiên, giữa lúc dự thảo đang được lấy ý kiến, trong khi các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý thì trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, hàng loạt sản phẩm mỹ phẩm vẫn được quảng cáo rầm rộ không khác gì “thần dược”. 

Một tài khoản Facebook quảng cáo: “Dòng kem body mix mạnh bên em siêu trắng, chưa ai chê. Mùa hè này chỉ có kem bên em mới độ được làn da cháy nắng mấy chị. Bôi lên trắng tươi, tệp vào da, không bết dính, mê luôn!”. Bên dưới dòng quảng cáo là hàng trăm bình luận “chốt đơn” khen ngợi sản phẩm như một loại phép màu.

Thế nhưng, không một ai biết chính xác trong lọ kem “thần kỳ” kia chứa gì. Những câu quảng cáo như “trắng da sau 10 liệu trình”, “trị nám cấp tốc”, “uống collagen trẻ hóa tức thì” đang được tung hô trên mạng như thuốc tiên, và hàng ngàn người tiêu dùng nhẹ dạ, thiếu kiến thức rất có thể bị sa bẫy.

Thực tế cho thấy, các vụ việc liên quan đến mỹ phẩm giả, kém chất lượng bị phát hiện ngày càng nhiều. Gần đây, Công an tỉnh Bắc Giang đã triệt phá cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả với hàng trăm nghìn sản phẩm gắn mác các thương hiệu nghe rất “kêu” như Demi Skin 3 days, SEIMY skin, KT’skin serum, STOPIREX... Tổng doanh thu phi pháp của đường dây này lên tới 6 tỉ đồng. Điều đáng lo ngại là phần lớn người mua sản phẩm đều là những người mong muốn cải thiện ngoại hình cấp tốc nhưng thiếu hiểu biết, không phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.

Trên sàn thương mại điện tử đang tràn ngập mỹ phẩm nhãn mác tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Hậu quả của việc sử dụng mỹ phẩm trôi nổi là vô cùng nghiêm trọng. Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, rất nhiều trường hợp bị tổn thương da nặng do nhiễm corticoid, thủy ngân, chì – những chất thường xuất hiện trong các loại kem trộn, mỹ phẩm giá rẻ không rõ nguồn gốc.

Sử dụng lâu dài, những chất độc này có thể phá hủy tế bào, gây viêm da, nám, nhiễm trùng, ảnh hưởng đến gan, nội tiết tố, thậm chí là khả năng sinh sản. Một số nghiên cứu còn chỉ ra việc tiếp xúc với mỹ phẩm chứa kim loại nặng vượt ngưỡng cho phép có thể gây biến đổi gen và dẫn đến nguy cơ vô sinh.

Trước tình hình này, Bộ Y tế không chỉ đề xuất siết nội dung quảng cáo mà còn yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất – kinh doanh mỹ phẩm, đặc biệt trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo, YouTube. Mục tiêu là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm từ sản xuất trái phép đến quảng cáo sai sự thật, đặc biệt với các sản phẩm có dấu hiệu giả mạo.

Trong khi lực lượng chức năng chưa thể kiểm soát toàn bộ không gian mạng thì chính người tiêu dùng phải là người bảo vệ bản thân mình đầu tiên. Cần hết sức tỉnh táo trước những lời quảng cáo “trắng da sau 3 ngày”, “giảm cân không cần ăn kiêng”, “trẻ hóa tức thì”... Những sản phẩm rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, được quảng bá như phép màu thường đi kèm với cái giá rất đắt. Một làn da bị hủy hoại, một cơ thể nhiễm độc, hay một tương lai sức khỏe bị đánh đổi – không đáng chỉ vì vài dòng quảng cáo bắt tai.

Theo quy định hiện hành, mọi sản phẩm mỹ phẩm trước khi được lưu hành trên thị trường đều phải thực hiện công bố sản phẩm với cơ quan quản lý. Mỹ phẩm nhập khẩu cần nộp hồ sơ tại Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế; mỹ phẩm sản xuất trong nước nộp tại Sở Y tế địa phương. Hồ sơ bao gồm phiếu công bố sản phẩm, công thức thành phần đầy đủ, giấy uỷ quyền từ nhà sản xuất (nếu nhập khẩu) và các tài liệu liên quan khác.

Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất mỹ phẩm trong nước phải đáp ứng điều kiện sản xuất đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm (GMP). Cơ sở kinh doanh phải đăng ký ngành nghề phù hợp, đảm bảo điều kiện bảo quản và an toàn trong quá trình phân phối. Đặc biệt, mỹ phẩm lưu hành không được chứa chất cấm hoặc các thành phần vượt ngưỡng cho phép như thủy ngân, chì, corticoid, hydroquinone…

Nhãn sản phẩm bắt buộc phải ghi đầy đủ thông tin bằng tiếng Việt: tên sản phẩm, công dụng, thành phần, tên, địa chỉ tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, số lô, ngày sản xuất, hạn dùng, hướng dẫn sử dụng và cảnh báo nếu có. Mọi nội dung quảng cáo mỹ phẩm đều phải phản ánh đúng bản chất sản phẩm, không được sử dụng ngôn từ gây hiểu lầm, không gán cho mỹ phẩm những công dụng điều trị như thuốc. Nếu muốn quảng cáo, doanh nghiệp phải đăng ký và được cơ quan chức năng cấp phép nội dung trước khi phát hành trên bất kỳ nền tảng nào.

 Tiểu Hiền

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang