Hàng chục tấn nội tạng động vật ôi thiu, nhiễm vi rút 'suýt' tràn vào Việt Nam

author 16:42 08/09/2020

(VietQ.vn) - Hàng chục tấn nội tạng động vật ôi thiu, nhiễm vi rút dịch tả lợn châu Phi bị bắt giữ và tiêu hủy, trước khi tràn vào các quán nhậu, quán lẩu tại Việt Nam.

Liên tiếp phát hiện các lô hàng nội tạng động vật ôi thiu, nhiễm vi rút dịch tả lợn châu Phi

Đội QLTT số 5 phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Lào Cai vừa khám phương tiện xe ô tô mang Biển kiểm soát: 24D - 000.51 đang lưu thông tại Km 192, Quốc lộ 70 thuộc địa phận thôn Bản Quẩn, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Qua kiểm tra thùng xe phát hiện lô hàng 720 kg Nầm lợn và trứng gà non đông lạnh đang. Chủ hàng là ông Nguyễn Văn Dương, sinh năm 1990, trú tại: Tổ 4, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

 Lô hàng nội tạng động vật ôi thiu bị bắt giữ ở Lào Cai.

Tại thời điểm kiểm tra ông Nguyễn Văn Dương không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan. Đội QLTT số 5 đã tiến hành lập hồ sơ, trình Chủ tịch UBND tỉnh ra ban hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền và buộc tiêu hủy 720 kg Nầm lợn và trứng gà non.

Sáng ngày 5/9/2020, Cục QLTT Hải Phòng phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan tổ chức tiêu hủy 24 tấn nội tạng, tai, mũi và lưỡi lợn đông lạnh nhiễm dịch tả lợn Châu Phi tại Nhà máy xử lý chất thải Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng theo đúng quy trình quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 17/8, Đội QLTT số 4 kết hợp với các lực lượng chức năng phát hiện và kiểm tra xe container biển kiểm soát 15C-110.95 và sơ mi rơ móoc 047.46 đang vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ, trong xe có chứa 24 tấn nội tạng và tai mũi lưỡi lợn. Khi lực lượng chức năng yêu cầu, chủ hàng không xuất trình được giấy tờ chứng nhận kiểm dịch động vật. Đoàn kiểm tra của Cục QLTT thành phố đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, kiểm dịch tại chỗ. Theo kết quả kiểm dịch lực lượng chức năng phát hiện có vi rút dịch tả lợn châu Phi trong 2/3 mẫu kiểm tra. Chủ hàng khai nhận thu gom nội tạng lợn ở các tỉnh miền Tây, vận chuyển về các hợp tác xã Bình Minh, tỉnh Bắc Giang để tiêu thụ.

 Lô hàng 24 tấn nội tạng, tai mũi và lưỡi lợn nhiễm vi rút dịch tả lợn Châu Phi bị tiêu hủy.

Đội QLTT số 4 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức tiêu hủy toàn bộ số hàng nói trên.

Kinh hoàng nôi tạng ôi thiu sẽ đến quán lẩu, cháo lòng

Theo cơ quan chức năng, hầu hết số nội tạng có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập lậu về Hà Nội được tẩm ướp, chế biến thành các món nướng vì khi có gia vị và được nướng chín sẽ át mùi ôi thiu. Những lô hàng chưa phân rã, chưa thối do được bảo quản bằng hóa chất sẽ được chuyển vào quán lẩu, cháo lòng…

Nói tới thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, các chuyên gia về thực phẩm cho biết, người tiêu dùng không thể biết hết được chất lượng của các loại thực phẩm này ra sao bởi chúng không được đưa đi kiểm nghiệm. Không thể biết được người sản xuất, vận chuyển có sử dụng chất bảo quản, phụ gia, hóa chất nằm trong danh mục cấm sử dụng để bảo quản hay chế biến thực phẩm hay không? Do đó một khi ăn phải các loại thực phẩm nhập lậu này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe người dùng.

Người ăn phải nội tạng động vật kém chất lượng, bị ôi thiu, biến đổi màu rất dễ bị nhiễm giun sán. Một số nội tạng như ruột, dạ dày, tá tràng... của động vật được nuôi bằng nguồn nước bẩn còn chứa vi khuẩn E.coli gây bệnh tả, tiêu chảy, thương hàn. Nguy hiểm hơn, tình trạng sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa lòng heo trắng sáng và không còn mùi hôi thối, làm tăng nguy cơ tích tụ hóa chất trong cơ thể người ăn gây bệnh.

Do vậy khi mua hàng, người tiêu dùng phải có cảm quan, xem xét xác suất một vài mặt hàng cùng loại định mua để có sự so sánh. Đặc biệt, không nên mua và sử dụng hàng hóa là thực phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng để bảo đảm sức khỏe.

Đặc biệt đối với thịt lợn, Tổng cục QLTT cho biết, hiện nay ở các nước xung quanh Việt Nam, dịch tả heo châu Phi vẫn đang xảy ra. Trong khi đó thời gian gần đây, tình hình mua bán, vận chuyển thịt lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu qua biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng diễn biến phức tạp.

Việc vận chuyển, buôn bán thịt lợn nhập lậu sẽ gây ra những hậu quả khôn lường đối với hoạt động chăn nuôi ở nước ta nói chung, như làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh của việc sử dụng, kinh doanh heo và sản phẩm từ heo nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Do đó cần kiểm soát tình hình nhập lậu heo qua biên giới nhằm ngăn chặn mầm bệnh vào nước ta, tránh gây nhiều hệ lụy xấu cho ngành chăn nuôi.

Nguy hiểm khôn lường thịt, nội tạng động vật nhiễm vi rút dịch tả lợn châu Phi

Nói tới dịch tả lợn châu Phi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, dịch được phát hiện đầu tiên tại châu Phi vào năm 1921, đến nay đã xuất hiện nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị. Bệnh tả lợn châu Phi do virus tả lợn Châu Phi (African swine fever virus - ASFV) gây ra. Bệnh lây lan nhanh ở tất cả các loại lợn với tỉ lệ lợn chết vì nhiễm bệnh lên đến 100%.

Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Ngoài nguyên nhân do vận chuyển lợn bệnh, bệnh cũng có thể lây qua các vật chủ trung gian như chim di cư tiếp xúc với lợn chết hoặc có mầm bệnh.

Virus tả lợn châu Phi sống được rất lâu ở môi trường bình thường. Virus có thể tồn tại trong tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín trong 3-6 tháng, sống được trong máu khô 70 ngày...

Tuy nhiên virus này chịu nhiệt kém. Theo nghiên cứu của tạp chí Vi sinh học Thú y (Veterinary Microbiology - Thụy Sĩ), virus này tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.

Dù lợn bị nhiễm bệnh tả châu Phi không có khả năng lây sang người, song các chuyên gia thú y cảnh báo khi lợn bị tả, sức đề kháng kém đi nên rất dễ mắc thêm những loại bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác như bệnh tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu lợn, lở mồm long móng... Đặc biệt, với bệnh liên cầu khuẩn lợn, vi khuẩn tồn tại trong miệng, mũi, họng dễ lây sang người khi tiếp xúc trực tiếp qua các vết thương, vết trầy xước, qua các món ăn tái sống, tiết canh.

Khi nhiễm những vi khuẩn liên cầu, bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhiễm độc tiêu hoá, nhiễm trùng máu, viêm não, viêm màng não, suy đa tạng... Bệnh nhân sẽ phải lọc máu, thở máy, hồi sức liên tục... với chi phí điều trị cao và nguy cơ để lại di chứng rất lớn. Do đó, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng, tránh ăn các sản phẩm như nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh...

 Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang