Hành trình từ nhà kho tồi tàn đến startup nội 'sống sót cuối cùng' trên ‘mặt trận’ giao đồ ăn

author 09:50 13/09/2021

(VietQ.vn) - Loship - startup giao nhận đồ ăn vừa công bố gọi vốn thành công 12 triệu USD ở vòng Pre-Series C.

"Vượt bão" để thành công

Mới đây, Loship đưa ra thông báo chính thức đã huy động được 12 triệu USD (xấp xỉ 275 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn mới nhất – Pre Series C. Các nhà đầu tư chính gồm BAce Capital (được hậu thuẫn bởi Ant Financial) và đơn vị đầu tư của Sun Hung Kai & Co.  

Loship cho biết sử dụng nguồn vốn mới nhằm tăng cường sự hiện diện của mình tại các thị trường trọng điểm và mở rộng sang khu vực mới. Công ty cũng tiết lộ kế hoạch đầu tư vào dịch vụ giao hàng B2B (Business to Business: Doanh nghiệp với doanh nghiệp) cho các công ty thực phẩm đồ uống nhỏ, cũng như các cửa hàng mẹ và bé. Sau vòng gọi vốn này, người sáng lập BAce Capital – Benny Chen sẽ tham gia hội đồng quản trị Loship. Đây cũng là khoản đầu tư đầu tiên của BAce Capital và Sun Hung Kai & Co tại Việt Nam. 

Co-founder kiêm CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung. Ảnh: Internet

Đại diện Loship, ông Nguyễn Hoàng Trung - Co-founder kiêm CEO Loship cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Loship may mắn hơn các startup khác một chút. Bản chất của Loship là giao thức ăn và các hoạt động thiết yếu. Nên khi Covid bùng phát kèm theo các đợt giãn cách xã hội, thật sự Loship không gặp nhiều khó khăn thử thách theo hướng các hoạt động kinh doanh thay đổi. Thật ra, chính trong các đợt cao trào dịch bệnh đã thúc đẩy người ta dùng các dịch vụ giao thức ăn hay đi chợ online ngày càng nhiều.

Bây giờ Loship không ở giai đoạn phải chứng minh mô hình kinh doanh của mình là đúng, hay đang trong thời điểm thử nghiệm; mà công ty đang ở giai đoạn mở rộng kinh doanh ra các tỉnh thành khắp cả nước. Khi Covid-19 ập đến, khả năng tiếp cận nguồn vốn của công ty bỗng trở nên hạn chế hơn trước đây. Bởi, trước khi nhà đầu tư quyết định có đầu tư vào startup hay không, họ thường hay qua gặp CEO, nhà sáng lập và các nhân viên trong công ty để điều nghiên. Khi Covid diễn ra, nhà đầu tư nước ngoài không thể qua Việt Nam để xem "món hàng" của mình như thế nào và có nên đầu tư hay không. Công ty gặp vấn đề đó nhiều hơn là chuyện gặp khó khăn trong kinh doanh. 

Khi được hỏi về những cơ hội và thách thức khi tham gia gọi vốn cho công ty, ông Trung cho hay, bản chất của việc đầu tư là ngày hôm nay nhà đầu tư gửi vào công ty mình 100 đồng, 2 năm nữa họ mong muốn rút lại 150 đồng; còn với ngân hàng, cùng 100 đồng, hai năm sau rút ra chỉ có 105 đồng. 

Hồi đầu năm, Loship cũng đã huy động được tiền từ nhóm nhà đầu tư do MetaPlanet Holdings của người đồng sáng lập Skype (Jaan Tallinn) dẫn đầu. Loship được thành lập năm 2012 với tên gọi ban đầu là Lozi, một ứng dụng review đồ ăn và cho phép mua bán sản phẩm ngang hàng. Sau đó 5 năm, Loship được thành lập, tập trung vào thương mại điện tử và giao hàng trong vòng một giờ. 

Câu chuyện gọi vốn đầy cảm hứng

Loship là cái tên thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông trong và ngoài nước, với những chiến lược quảng cáo được công nhận và câu chuyện gọi vốn đầy cảm hứng. Chuyện về startup bản địa duy nhất cạnh tranh trong thị trường giao vận đầy khốc liệt và giấc mơ tạo nên niềm tự hào Việt Nam vừa được đăng tải trên kênh truyền thông của Hanwha LIFEPLUS VN, thuộc tập đoàn kinh doanh hàng đầu Hàn Quốc Hanwha. 

Thuở sơ khai, văn phòng Loship là một hội trường với sân khấu tạm bợ đã bị bỏ xó từ rất lâu. Mặc cho những hạn chế về cơ sở vật chất, CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung từng cảm thấy tự hào về nhà kho bừa bộn đó. Mọi cuộc họp từ phỏng vấn ứng viên đến gặp gỡ nhà đầu tư chiến lược đều được Trung yêu cầu phải diễn ra tại chính văn phòng tạm bợ này.

Trước khi chính thức "định cư" tại nhà kho cũ trên đường Tô Hiến Thành, trong suốt chặng đường 3 năm trước đó, Loship đã chuyển đến nhiều nơi làm việc khác nhau. Hành trình khởi nghiệp của CEO Nguyễn Hoàng Trung bắt đầu từ một căn hộ nhỏ nơi anh cùng những đồng đội nảy ra ý tưởng ban đầu về ứng dụng review ăn uống Lozi (ngày nay là công ty chủ quản của Loship), cho đến một ga ra đỗ xe khác khi đội ngũ của anh dần mở rộng.

Thậm chí đã có lúc họ phải làm việc tại một quán cafe khi buộc phải dọn đi do một số mâu thuẫn với chủ nhà. Trải qua nhiều lần chuyển văn phòng "bất đắc dĩ", phần đông người đã chọn rẽ sang hướng khác, thế nhưng lửa nhiệt huyết vẫn luôn cháy trong mỗi nhân tố chọn ở lại và đồng hành cùng Loship ngay từ thuở ban đầu. Sau rất nhiều khó khăn và trở ngại, 2019 đánh dấu một năm ngọt ngào với Loship khi đã gọi vốn thành công lên đến 8 chữ số từ nhà đầu tư Hàn Quốc Smilegate Investment trong vòng vốn Series C, nâng giá trị công ty lên gấp 30 lần.

Dưới sự lãnh đạo của ông Trung, Loship ngày hôm nay là một câu chuyện hoàn toàn khác. Chỉ trong 8 tháng kể từ khi gọi vốn thành công, Loship chạm mốc 1.500.000 khách hàng, mở rộng dịch vụ trên 4 thành phố lớn gồm TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ, hướng tới mục tiêu xa hơn là trở thành một trong những công ty công nghệ quan trọng nhất Việt Nam trong vòng 3 tiếp theo.

Theo CEO Nguyễn Hoàng Trung, tại Việt Nam, khái niệm khách mua hàng trực tiếp trên ứng dụng và được giao trong một giờ còn chưa được biết đến rộng rãi, tuy nhiên mô hình này đã rất phổ biến trên thế giới. Có nhiều công ty cùng lĩnh vực tại Mỹ như DoorDash, Gopuff hoặc tại châu Âu là Getir và Trung Quốc đại lục có Meituan Dianping, DingDong. Mục tiêu của Loship là khách hàng không chỉ ngồi tại nhà mua đồ ăn được giao liền, mà còn cả bó rau, con cá, mỹ phẩm hay sạc pin điện thoại.

Trao đổi với báo chí, ông Trung cho hay, Loship đã là công ty tiên phong tại Việt Nam trong ba năm nay và sẽ tiếp tục cố gắng để hiện thực hóa tham vọng này với mục tiêu mọi thứ đều có thể giao trong một giờ.

Tuy nhiên, vị CEO cũng nhìn nhận những thách thức còn hiện hữu như chất lượng giao hàng, nguồn lực quản trị và cải thiện đời sống cho shipper. Ngoài ra, do rào cản tham gia thị trường không quá lớn nên startup cần nhiều vốn hơn để lôi kéo người dùng và bảo vệ thị phần. 

Diệu Hương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang