Hiểm họa từ việc bắt nạt trên không gian mạng bằng tài khoản ẩn danh

author 08:42 04/06/2023

(VietQ.vn) - Hiện nay, tình trạng nhiều người sử dụng tài khoản mạng xã hội ẩn danh hay giả danh để xúc phạm, bắt nạt người khác ngày càng trở nên phổ biến và để lại những hậu quả rất đau lòng, đặc biệt là đối với trẻ em.

Cyberbullying được hiểu là hành vi đe dọa, bắt nạt qua các nền tảng mạng xã hội hoặc có thể qua tin nhắn điện thoại. Các hành vi tiêu cực này gây ra sự tổn thương nhất định về mặt tinh thần cho nạn nhân. Tình trạng này phổ biến ở trẻ vị thành niên, người trẻ tuổi và có thể để lại hậu quả nặng nề nếu không biết cách vượt qua.

Theo số liệu thống kê khoảng 40% trẻ vị thành niên từ 8 – 17 tuổi đang hoặc từng là nạn nhân của bắt nạt qua mạng. Trong đó, hành vi này thường được thực hiện qua các nền tảng mạng xã hội bởi tốc độ lan truyền thông tin nhanh.

Cũng chính vì điều này nên nhiều người dễ dàng tin vào những thông tin sai lệch, bịa đặt, từ đó có các bình luận gây tổn thương nạn nhân dù chưa biết sự việc có khách quan, chính xác hay không. Hành vi đe dọa trên các nền tảng mạng xã hội có mức độ khá đa dạng. Với những hành vi có mức độ nhẹ, nạn nhân thường bị chán nản, căng thẳng, buồn bã và lo âu trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, đối với các hành vi đe dọa, lăng mạ và xúc phạm, bản thân nạn nhân có thể gặp phải cảm xúc tiêu cực dai dẳng dẫn đến một loạt vấn đề về tâm lý.

Học sinh bị bắt nạt qua trang mạng xã hội chiếm tỷ lệ cao nhất so với các hình thức bắt nạt trực tuyến. Ảnh minh họa

Một nghiên cứu mới đây của trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, học sinh bị bắt nạt qua trang mạng xã hội chiếm tỷ lệ cao nhất so với các hình thức bắt nạt trực tuyến. Các em này cũng bị trầm cảm nhiều gấp đôi so với các học sinh khác. 

TS. BS. Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mai Hương cho rằng: "Sự ẩn danh đó rất nguy hiểm. Mình không thể phát hiện ra người bắt nạt và thông tin bắt nạt lưu trữ lâu dài nên người bị bắt nạt không biết bao giờ mới thoát ra khỏi tình huống khó khăn đó". 

Chuyên gia Văn hóa truyền thông Nguyễn Đình Thành cho biết, việc ẩn danh tạo ra xu hướng người ta ít trách nhiệm hơn, thành ra có nguy cơ đẩy người ta đến hành vi, cách hành xử ứng xử đi quá giới hạn. Không thể chống chọi vượt qua, có em đã lựa chọn tự làm đau chính mình, thậm chí tự tử.

Để hạn chế những hệ lụy từ các tài khoản mạng xã hội chưa thực hiện định danh, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định số 72 năm 2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó quy định, người sử dụng mạng xã hội sẽ phải cung cấp tên thật và số điện thoại chính chủ. Chỉ những tài khoản thực hiện định danh mới có thể đăng tải bài viết, bình luận và sử dụng tính năng phát trực tiếp. Dự kiến nghị định mới thay thế Nghị định số 72 năm 2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ ban hành vào cuối năm nay.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang