Hoạt động công nhận góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa

author 07:57 30/11/2024

(VietQ.vn) - Công nhận là hoạt động bảo đảm xác định, thừa nhận và thúc đẩy nâng cao chất lượng các hoạt động đánh giá sự phù hợp bao gồm thử nghiệm, hiệu chuẩn, xét nghiệm y tế, chứng nhận, giám định, tổ chức thử nghiệm thành thạo, sản xuất chất chuẩn… góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hoạt động công nhận bảo đảm các tổ chức đánh giá sự phù hợp đáp ứng quy định theo yêu cầu. (Ảnh minh họa)

Công nhận là hoạt động đánh giá độc lập các tổ chức đánh giá sự phù hợp theo tiêu chuẩn do tổ chức công nhận thực hiện. Công nhận nhằm đảm bảo tổ chức đánh giá sự phù hợp có đủ năng lực để thực hiện đánh giá, chứng nhận sự phù hợp đối với một tiêu chuẩn cụ thể.

Tại Việt Nam, hoạt động công nhận được triển khai từ năm 1995 với bề dày nhất định. Tính đến tháng tháng 8/2023, cả nước đã có 3.012 tổ chức đánh giá sự phù hợp, hợp chuẩn được công nhận, trong đó có 2.164 phòng thử nghiệm được công nhận ISO/IEC 17025, 210 phòng hiệu chuẩn được công nhận ISO/IEC 17025, 398 phòng xét nghiệm y tế được công nhận ISO 15189, 82 tổ chức chứng nhận hệ thống quản lý được công nhận ISO/IEC 17021, 65 tổ chức chứng nhận sản phẩm được công nhận ISO/IEC 17065, 95 tổ chức giám định được công nhận ISO/IEC 17020.

Cụ thể, hoạt động công nhận đóng vai trò quan trọng, phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và công tác quản lý của nhà nước đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp, qua đó, bảo đảm các tổ chức đánh giá sự phù hợp đáp ứng quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Công nhận cũng là phương tiện xác định và công bố chính thức về năng lực quản lý và kỹ thuật, công bằng, độc lập của các tổ chức đánh giá sự phù hợp có thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ tin cậy, đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Bên cạnh đó, hoạt động công nhận bảo đảm xác định, thừa nhận và thúc đẩy nâng cao chất lượng các hoạt động đánh giá sự phù hợp bao gồm thử nghiệm, hiệu chuẩn, xét nghiệm y tế, chứng nhận, giám định, tổ chức thử nghiệm thành thạo, sản xuất chất chuẩn… góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và năng suất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Qua đó, giúp cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội tin cậy hơn đối với các kết quả đánh giá sự phù hợp.

Đồng thời, công nhận giúp cho người tiêu dùng tin tưởng vào các sản phẩm và dịch vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp và hỗ trợ để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, an toàn của đơn vị cung cấp hoạt động đánh giá sự phù hợp.

Ngoài ra, hoạt động công nhận tạo thuận lợi đối với việc thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp giữa các cơ quan quản lý, giữa các quốc gia; thúc đẩy phát triển thương mại quốc tế, đồng thời giảm thiểu rào cản kỹ thuật, góp phần thực hiện mục tiêu “một chuẩn mực, một chứng chỉ, thừa nhận ở mọi nơi”.

Các tổ chức công nhận được thành lập tại nhiều quốc gia và thường do Chính phủ của một nước thành lập với mục đích chính là đảm bảo các tổ chức chứng nhận sự phù hợp được giám sát bởi tổ chức có thẩm quyền. Các tổ chức công nhận được đánh giá đủ năng lực bởi tổ chức tương đương đã ký các thỏa thuận giúp các sản phẩm và dịch vụ được chấp nhận nhiều hơn tại nhiều quốc gia, qua đó tạo nên một khung hỗ trợ thương mại quốc tế nhờ xóa bỏ các rào cản kỹ thuật.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang