Lộ trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống TCVN xe điện tại Việt Nam

author 06:36 28/09/2023

(VietQ.vn) - Theo Bộ Công Thương, doanh số tiêu thụ xe máy điện tại Việt Nam đã tăng khoảng 30% – 35% trong những năm gần đây, đưa Việt Nam trở thành thị trường xe máy điện (E2W) lớn nhất khu vực ASEAN và lớn thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc. Hiệp hội Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo rằng Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu xe điện vào khoảng năm 2028 và 3,5 triệu xe điện vào năm 2040.

Tại Việt Nam hiện nay hạ tầng trạm sạc chưa phát triển; Hầu hết trạm sạc đã được lắp đặt là của VinFast; Song song với việc phát triển phương tiện, tính đến tháng 10/2022 VinFast cũng phát triển trạm sạc trên 63 tỉnh thành với hơn 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và ô tô điện phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn châu Âu. Dự án Vinfast – Petrolimex; Mitsubishi Motors Việt Nam (2017); EVS-start-up Siemens; Hyundai; Porsche, Mercedes Việt Nam; Kymco Việt Nam; EVN-PVOil.

Ảnh minh họa. 

Hiện nay, những chính sách nhà nước về xe điện bao gồm: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Khoản 7 Điều 65): nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo, mức tiêu hao nhiên liệu thấp, phát thải thấp hoặc không phát thải; lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế năm 2016; Nghị định 57/2020/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi và Nghị định 125/2017/NĐ-CP: Từ tháng 7/2020, thuế nhập khẩu được miễn cho các linh kiện xe điện thân thiện môi trường (điều kiện sản lượng không dưới 125 xe trong tháng); Ngày 11/1/2022, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua một số dự án luật, trong đó có quy định sửa mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện chạy pin.

Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Mục tiêu: Phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050 theo đúng cam kết tại COP26.

Giai đoạn 2022–2030, thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; Mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Giai đoạn 2031–2050, đến năm 2040: Từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước; Đến năm 2050: 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh, toàn bộ bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh; Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Hệ thống QCVN xe điện hiện nay có 05 QCVN bao gồm: QCVN 68/2013/BGTVT và Sửa đổi 1:2015 về xe đạp điện; QCVN 75:2019/BGTVT về động cơ sử dụng cho xe đạp điện; QCVN 76:2019/BGTVT về ắc quy sử dụng cho xe đạp điện; QCVN 90:2019/BGTVT về động cơ sử dụng cho xe mô tô, xe gắn máy điện; QCVN 91:2019/BGTVT về ắc quy sử dụng cho xe mô tô, xe gắn máy điện.

Bên cạnh đó, hệ thống TCVN có 56 TCVN về xe điện và hệ thống liên quan bao gồm: 39 TCVN về an toàn, đo vận tốc, tiêu thụ năng lượng, phát thải, hệ thống pin/ắc quy trên xe; 04 TCVN về dây cáp sạc xe điện; 08 TCVN về hệ thống sạc xe điện (quy định yêu cầu chung; an toàn đối với hệ thống lắp trạm sạc; cụm đóng cắt và điều khiển hạ áp khu vực sạc xe điện; tương thích điện từ; truyền thông giữa trạm sạc và xe điện); 05 TCVN về thiết bị đo điện. Có thể thấy, hệ thống TCVN được xây dựng trên cơ sở hoàn toàn tương đương tiêu chuẩn ISO, IEC.

Về lộ trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống TCVN xe điện: Thứ nhất, nhóm phích cắm, bộ nối (đầu sạc): 06 TCVN tương đương IEC 62196; Thứ hai, nhóm sạc không dây: 03 TCVN tương đương IEC 61980; Thứ ba, nhóm dây và cáp điện: 02 TCVN tương đương IEC 62893; Thứ tư, thiết bị bảo vệ cá nhân (Thiết bị dòng dư): 05 TCVN tương đương IEC 61008-1, IEC 61009-1, IEC 62955-1, IEC 62429, IEC 60755; Thứ năm, thiết bị đo đếm điện năng để hỗ trợ tính phí: 04 TCVN tương đương IEC 62052, 62053; Thứ sáu, tương thích điện từ: 06 TCVN tương đương IEC 61000; Thứ bảy, động cơ điện của xe điện: 07 TCVN tương đương IEC 21782; Thứ tám, hệ thống truyền dẫn điện của xe điện: 18 TCVN tương đương IEC 15118, ISO 5474, ISO 21498, ISO 19363.

Nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp (trong nước, nước ngoài) sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe điện, trang thiết bị thử nghiệm, đánh giá xe, trạm/trụ sạc,… tích cực, chủ động, đồng hành cùng các bộ ngành để có nguồn lực, rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống TCVN về xe điện ở Việt Nam.

Hà My

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang