Hướng tới mục tiêu 85% dân số Việt Nam có điện thoại thông minh trong năm 2022

author 16:54 17/03/2022

(VietQ.vn) - Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số vừa ký ban hành kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022.

Theo kế hoạch, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tập trung chỉ đạo, điều phối các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình, Chiến lược của Quốc gia về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Bên cạnh các mục tiêu về phát triển hạ tầng số, kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cũng xác định rõ các mục tiêu quan trọng trong năm nay về phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Cụ thể, về phát triển Chính phủ số, mục tiêu đặt ra trong năm 2022 là đưa tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 50%; Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100% (đối với thủ tục hành chính tiếp nhận tại Bộ phận một cửa cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 1/6/2022; đối với thủ tục hành chính tiếp nhận tại Bộ phận một cửa cấp huyện từ ngày 1/12/2022).

Cùng với đó, tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 50%. Tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở đầy đủ theo danh mục đạt 50% (không áp dụng đối với dữ liệu phục vụ công tác quân sự, quốc phòng).

Về phát triển kinh tế số và xã hội số, các mục tiêu quan trọng gồm có: tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7%, và tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt từ 65 - 70%.

Theo kế hoạch, có 18 nhiệm vụ trong tâm phân công các thành viên Ủy ban Quốc gia trực tiếp chỉ đạo, đó là: Phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng rộng toàn dân; Phổ cập danh tính điện tử toàn dân; Phổ cập an toàn thông tin mạng, an ninh mạng toàn dân; Phổ cập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; Phổ cập dạy học trực tuyến; Phổ cập chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phổ cập hóa đơn điện tử; Phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Phổ biến kỹ năng số;

Thúc đẩy toàn diện các phương thức thanh toán số; Phát triển thương mại điện tử, thương mại số; Quy hoạch đô thị thông minh; Phát triển hệ thống thông tin báo cáo;

Tăng cường nguồn lực chi nghiên cứu khoa học cho chuyển đổi số; Triển khai và đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu nông nghiệp; Phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; Điều phối phát triển, kết nối, chia sẻ dữ liệu; Điều phối phát triển, sử dụng các nền tảng số.

Năm 2022, Việt Nam phấn đấu có 85% dân số có điện thoại thông minh. Ảnh minh hoạ

Với mỗi nhiệm vụ kể trên, kế hoạch đều nêu rõ thành viên chủ trì, cơ quan phối hợp và mục tiêu, công việc cần thực hiện. Đơn cử như, nhiệm vụ phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng rộng toàn dân sẽ do Bộ trưởng Bộ TT&TT chủ trì chỉ đạo, các địa phương phối hợp. Mục tiêu đến hết năm 2022 tối thiểu 75% hộ gia đình có cáp quang, phủ sóng băng rộng di động tới 100% thôn/bản và tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 85%.

Nhiệm vụ phổ cập danh tính điện tử toàn dân do Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì chỉ đạo, Bộ TT&TT phối hợp xây dựng Hệ thống định danh và xác thực điện tử trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư, CSDL căn cước công dân và CSDL quốc gia về xuất nhập cảnh làm nền tảng chuyển đổi số quốc gia. Mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ có từ 15 - 20% người dân sử dụng ứng dụng định danh điện tử.

Nhiệm vụ phổ cập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân do Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì chỉ đạo, Bộ TT&TT phối hợp thúc đẩy ứng dụng Hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, với mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ có trên 90% người dân Việt Nam có Hồ sơ sức khỏe điện tử, được sử dụng trong hoạt động khám chữa bệnh và theo dõi sức khỏe người dân, từng bước thay thế y bạ giấy.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì chỉ đạo nhiệm vụ phổ cập dạy học trực tuyến, Bộ TT&TT phối hợp phát triển nền tảng dạy học trực tuyến, nền tảng đại học số và kho tài nguyên giáo dục số quốc gia. Phổ cập và duy trì một tỷ lệ dạy học trực tuyến nhất định ngay cả khi dịch Covid-19 kết thúc. Xây dựng Đề án thí điểm triển khai 5 trường tham gia mô hình giáo dục đại học số trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số phục vụ chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cũng xác định cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm phân công Ban chỉ đạo chuyển đổi số của 30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành tập trung chỉ đạo. Ban chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm điều phối, chỉ đạo triển khai, hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch; trong quý I/2022 ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban chỉ đạo chuyển đổi số bộ, ngành, địa phương mình, trong đó cụ thể hóa thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thuộc diện Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số theo dõi, đôn đốc.

Ban chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành chịu trách nhiệm tổ chức, điều phối phát triển các nền tảng số quốc gia thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai ứng dụng các nền tảng số quốc gia trong phạm vi địa phương. Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số theo dõi, đôn đốc và chịu trách nhiệm điều phối trong việc bảo đảm thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang