Khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật về xử lý chất thải y tế

author 06:14 12/06/2022

(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật về xử lý chất thải y tế phù hợp thực tiễn.

Theo văn bản 3641/VPCP-KGVX ngày 10/6/2022, xét báo cáo và đề nghị của Bộ Y tế về tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2020 và đề xuất định hướng quản lý chất thải trong cơ sở y tế giai đoạn tiếp theo, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có ý kiến như sau:

Bộ Y tế đẩy mạnh thực hiện đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc xử lý chất thải tại các cơ sở y tế, nhất là tại các địa phương, bảo đảm việc xử lý chất thải y tế đáp ứng yêu cầu về môi trường theo quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật về xử lý chất thải y tế phù hợp thực tiễn; chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong xử lý chất thải y tế.

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường trong xử lý chất thải y tế. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, bố trí kinh phí đầu tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình, hệ thống xử lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế, nhất là tuyến xã trên địa bàn bảo đảm năng lực và yêu cầu xử lý chất thải y tế theo quy định.

Ảnh minh hoạ

Tại Việt Nam, Báo cáo Hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố năm 2021 đã chỉ ra chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8kg/năm/người năm 1990 tăng lên 54kg/năm/người vào năm 2018, trong đó, 37,43% sản phẩm là bao bì và 29,26% là đồ gia dụng.

Việc xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải nhựa từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và hải đảo.

Đặc biệt, kể từ năm 2019 đến nay, toàn nhân loại đã, đang và sẽ phải đấu tranh với đại dịch toàn cầu Covid-19, làm tăng áp lực lên vấn đề rác thải nhựa đại dương vốn đã nằm ngoài tầm kiểm soát này. Rác thải y tế từ đại dịch Covid-19 đang đe dọa sức khỏe con người và môi trường, dẫn đến nhu cầu cấp thiết phải cải thiện các hoạt động quản lý rác thải y tế.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang