Kiểm soát an toàn thực phẩm, khống chế không để dịch bệnh lan rộng

author 06:30 02/08/2017

(VietQ.vn) - Mục tiêu của chương trình mà Bộ Y tế đưa ra nhằm nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm, chủ động phòng chống, không để dịch bệnh lan rộng.

Chủ động phòng bệnh, không để dịch lớn xảy ra

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ Y tế. Chương trình trên được thực hiện tại các tỉnh, thành phố trong cả nước với kinh phí 19.380 tỷ đồng.

Chương trình có 8 dự án thành phần gồm: Dự án phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến; Dự án tiêm chủng mở rộng; Dự án dân số và phát triển; Dự án an toàn thực phẩm; Dự án phòng, chống HIV/AIDS; Dự án bảo đảm máu an toàn và phòng, chống một số bệnh lý huyết học; Dự án quân dân y kết hợp; Dự án theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình và truyền thông y tế.

Mục tiêu của chương trình nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời khống chế không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khống chế tốc độ gia tăng các bệnh không lây nhiễm phổ biến, bệnh tật lứa tuổi học đường bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

 Kiểm soát an toàn thực phẩm là một trong những mục tiêu của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ Y tế mới được Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm; bảo đảm cung cấp máu, an toàn truyền máu và phòng, chống hiệu quả một số bệnh lý huyết học; khống chế và giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng để giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; duy trì mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tăng cường công tác kết hợp quân dân y trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân vùng biên giới, biển đảo và vùng trọng điểm an ninh quốc phòng.

Mục tiêu cụ thể mà các dự án hướng tới là đến năm 2020 khống chế tỷ lệ chết/mắc hàng năm do sốt xuất huyết < 0,09%; 20% số người mắc ung thư khoang miệng, vú, cổ tử cung, đại trực tràng được phát hiện ở giai đoạn sớm; bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi hằng năm đạt trên 95%; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm...

Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, 4 người đã tử vong

Ngày 1/8, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã có những báo cáo về tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố thời gian gần đây. Theo ông Hiền, hiện tình hình dịch sốt xuất huyết còn diễn biến khá phức tạp và chưa thể đẩy lùi được.

Trong thời gian qua, với hơn 8.459 trường hợp sốt xuất huyết (tính đến ngày 31/7), trong đó có 4 người đã tử vong, Hà Nội đứng thứ 2 cả nước về số người mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc bệnh tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, cao nhất ở quận Đống Đa, tiếp đó là Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông.

Vì vậy, tại các bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện E và các bệnh viện có khoa truyền nhiễm ở Hà Nội đều đang quá tải người bệnh sốt xuất huyết. Bệnh viện nào cũng đầy cứng người sốt xuất huyết.

Nhiều bệnh viện trong tình trạng quá tải do dịch sốt xuất huyết hoành hành. 

Nhằm ngặn chặn dịch sốt xuất huyết lan rộng và hoành hành khắp thành phố, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy; thành lập 4 đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các quận, huyện. Tuy nhiên, công tác diệt bọ gậy hiện còn nhiều khó khăn như số ổ bọ gậy tương đối nhiều, xuất hiện ở các khu vực như công trường xây dựng, khu đất trống, đình chùa... Trong đó, nhiều ổ dịch nằm ở trên cao, gây khó khăn trong xử lý, đặc biệt với các lực lượng tình nguyện viên đã lớn tuổi.

Theo Sở Y tế Hà Nội, dịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm và có diễn biến phức tạp, theo nhận định trong thời gian tới số ca mắc SXH trên địa bàn có thể tiếp tục gia tăng, do thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, muỗi phát triển mạnh.

Các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu là giám sát, phát hiện người bệnh, tuyên truyền, tổ chức diệt muỗi và diệt bọ gậy. Chưa có biện pháp đặc biệt như vắc xin phòng chống hay thuốc điều trị. Vì thế, người dân cần tự bảo vệ chính mình bằng việc áp dụng các biện pháp chống muỗi, làm sạch nơi sinh sống thường xuyên và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám chữa nếu có những biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP. HCM, từ đầu năm đến nay TP có hơn 10.000 ca mắc SXH (tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016), 3 ca tử vong (cao hơn 2 ca so với cùng kỳ năm 2016). Tại các bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết của TP.HCM số ca bệnh đang tăng. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận 4.328 trường hợp sốt xuất huyết, tăng nhanh từ tuần 21 đến nay, trong đó riêng tuần 26 số ca nhập viện nội trú tăng 100 ca.

Số ca sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng từ tháng 6 với mức 10 – 15% so với những tháng trước, trung bình mỗi tuần có khoảng 60 – 70 bệnh nhân nhập viện. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số ca sốt xuất huyết điều trị ngoại trú từ đầu năm đến nay là 3.696 ca, riêng tháng 7 đã có 506 ca. Số ca điều trị nội trú là 1.623 trường hợp. Bệnh viện Nhi đồng thành phố tuy mới đi vào hoạt động nhưng cũng đã tiếp nhận 1.035 ca sốt xuất huyết.

Sở Y tế TP.HCM xác định tập trung kiểm soát điểm nguy cơ, vùng nguy cơ, truyền thông thay đổi hành vi của người dân là những yếu tố chính trong phòng chống dịch. Do tính chất điểm nguy cơ thay đổi theo từng tháng nên trong tháng 5 có 12.562 điểm nguy cơ được quận huyện giám sát.

Theo Viện Pasteur TP.HCM, từ đầu năm đến nay, 20 tỉnh thành phía Nam (kể cả TP.HCM) đã có 31.397 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016, số ca nặng chiếm 4 - 8%. Có 16 ca tử vong (tăng 6 ca so với cùng kỳ năm 2016).

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, mới đây Đoàn Bộ Y tế đến kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại P. Bình Hưng Hòa B, Q. Bình Tân và đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP kiểm tra công tác điều trị sốt xuất huyết.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, tình hình sốt xuất huyết cả nước đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Năm nay, điều quan ngại nhất là sốt xuất huyết đến sớm và tăng cao hơn, từ tháng 5 số ca bệnh đã tăng, trong khi mọi năm tháng 8 - 9 mới tới mùa bệnh và dự kiến năm nay dịch sẽ kéo dài. Thứ trưởng đề nghị TP. HCM quyết liệt phòng chống dịch sốt xuất huyết nhằm hạn chế số mắc. Các BV phải chuẩn bị đủ thuốc men, phương tiện điều trị nhằm giảm số tử vong.

Phong Lâm

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết(VietQ.vn) - Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc tăng cường công tác phòng chống SXH.
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang